Bài liên quan |
Đề xuất cắt giảm thủ tục kinh doanh có điều kiện: Mơ hồ, chung chung |
Trong văn bản góp ý gửi Bộ Công Thương liên quan Dự thảo Quyết định phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2025, VCCI đề xuất cắt giảm thủ tục kinh doanh trong lĩnh vực phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu. Theo VCCI, đây là những loại hình kinh doanh không còn mang tính đặc thù cần thiết để tiếp tục được quản lý theo cơ chế "ngành nghề kinh doanh có điều kiện".
![]() |
Đề xuất cắt giảm thủ tục kinh doanh rượu, thuốc lá: Doanh nghiệp mong được “cởi trói” |
Hiện nay, để phân phối rượu, doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng hệ thống phân phối tại tối thiểu hai tỉnh, mỗi tỉnh có ít nhất một thương nhân bán buôn hoặc chi nhánh. Tuy nhiên, VCCI cho rằng yêu cầu này mang tính áp đặt, can thiệp sâu vào mô hình kinh doanh, trong khi lẽ ra việc tổ chức hệ thống phân phối nên để doanh nghiệp tự quyết định tùy theo năng lực và chiến lược thị trường.
Không chỉ vậy, quy định doanh nghiệp phải nộp hợp đồng nguyên tắc hoặc văn bản giới thiệu từ nhà cung cấp rượu ngay tại thời điểm xin giấy phép cũng bị đánh giá là chưa phù hợp với thực tiễn vận hành thị trường.
"Thị trường rượu có sự biến động nhanh, nhà cung cấp có thể thay đổi thường xuyên. Việc yêu cầu cập nhật giấy phép mỗi lần thay đổi nhà cung cấp là không cần thiết, tạo thêm thủ tục và chi phí hành chính cho doanh nghiệp", VCCI phân tích.
Ở lĩnh vực thuốc lá, VCCI tiếp tục nhấn mạnh những rào cản lớn đối với hoạt động đầu tư và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương kiểm soát nghiêm ngặt từ tổng sản lượng sản xuất, nhập khẩu đến cả quá trình đầu tư máy móc, thiết bị chuyên ngành thuốc lá.
Cụ thể, doanh nghiệp muốn đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, hay mở rộng sản xuất phục vụ xuất khẩu đều phải trình hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư từ Bộ Công Thương. Việc thanh lý, nhượng bán thiết bị cũng chỉ được phép thực hiện khi có văn bản đồng ý từ cơ quan này.
"Việc áp đặt quá nhiều bước xin phép khiến doanh nghiệp khó linh hoạt điều chỉnh quy mô sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ trong bối cảnh thị trường liên tục thay đổi", đại diện VCCI nêu rõ.
Không chỉ vậy, quy định này còn dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không thể chủ động xử lý tài sản của chính mình, như nhượng bán hay thanh lý máy móc – vốn là quyền hợp pháp trong môi trường kinh doanh bình thường.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực rượu, thuốc lá thời gian qua đã không ít lần lên tiếng về những vướng mắc, chồng chéo trong các quy định quản lý hiện hành. Theo các doanh nghiệp, việc duy trì cơ chế kiểm soát như hiện nay không còn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế thị trường, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh.
Một số ý kiến cho rằng, việc siết chặt quản lý đầu vào, đầu ra thông qua sản lượng và giấy phép là cần thiết ở góc độ quản lý chất lượng và hạn chế tiêu dùng có hại. Tuy nhiên, các quy định cần được thiết kế hợp lý, giảm thiểu thủ tục không cần thiết, đồng thời tránh can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường của doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, VCCI kiến nghị Bộ Công Thương rà soát và cân nhắc bãi bỏ hoặc điều chỉnh các quy định liên quan đến giấy phép kinh doanh rượu, thuốc lá, đặc biệt là những yêu cầu liên quan đến hệ thống phân phối, hợp đồng cung ứng, đổi mới thiết bị công nghệ, thanh lý máy móc... nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này.
Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, những kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp cần được lắng nghe và đánh giá một cách thấu đáo. Việc cắt giảm các quy định không cần thiết không chỉ giảm chi phí tuân thủ mà còn góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, linh hoạt và thân thiện hơn với nhà đầu tư.