Trong một bài phát biểu tại Washington nhằm giải quyết vấn đề làm thế nào để điều chỉnh AI một cách tốt nhất, Chủ tịch Microsoft Brad Smith cho biết, lo ngại lớn nhất của ông về AI chính là Deepfake, công nghệ tạo ra hình ảnh, video trông như thật. Ông kêu gọi phải có các biện pháp để mọi người phân biệt được ảnh, video thật và giả.
Deepfake là công nghệ mô phỏng hình ảnh khuôn mặt con người, được đặt tên theo cụm từ được kết hợp giữa “deep learning” (máy học) và “fake” (giả). Công nghệ này có thể tạo ra các sản phẩm âm thanh, hình ảnh hoặc thậm chí là cả video giả, nhờ vào trí tuệ nhân tạo tinh vi.
“Chúng ta phải giải quyết các vấn đề xoay quanh deepfake”, Chủ tịch Microsoft khẳng định. “Chúng ta phải thực hiện các bước để chống lại việc thay đổi nội dung hợp pháp để đánh lừa hoặc lừa gạt mọi người thông qua AI”.
Ông cũng kêu gọi cấp phép cho các dạng AI quan trọng nhất với "nghĩa vụ bảo vệ an ninh, an ninh vật lý, an ninh mạng, an ninh quốc gia".
Theo ông, chúng ta cần các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, ít nhất là bước tiến từ các biện pháp đang có, để đảm bảo các mô hình AI không bị đánh cắp hay sử dụng theo cách vi phạm quy định kiểm soát xuất khẩu.
Brad Smith cũng lập luận trong bài phát biểu và trong một bài đăng trên blog vào ngày 25.5 rằng, mọi người cần phải chịu trách nhiệm về bất kì vấn đề nào do AI gây ra.
Ông cũng kêu gọi các nhà lập pháp đảm bảo rằng hệ thống "phanh an toàn" được đặt trên những AI được sử dụng để kiểm soát lưới điện, nước cung cấp và cơ sở hạ tầng quan trọng khác để con người vẫn kiểm soát những yếu tố này.
Trong nhiều tuần, các nhà lập pháp ở Washington đã phải vật lộn với việc thông qua luật nào để kiểm soát AI trong khi các công ty lớn và nhỏ đang chạy đua để đưa những AI ngày càng linh hoạt ra thị trường.
Lời kêu gọi về quy định AI ngày càng lớn hơn kể từ khi ChatGPT ra mắt công chúng vào tháng 11. Những nhân vật nổi bật, bao gồm Warren Buffett, Elon Musk, và thậm chí cả Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman, đã lên tiếng về những nguy cơ tiềm ẩn của công nghệ này.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ mới đây, Sam Altman đã lên tiếng ủng hộ ban hành thêm quy định quản lý đối với ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI), động thái trái ngược với các hãng công nghệ khác phản đối việc cơ quan chính phủ can thiệp vào lĩnh vực này.
Sam Altman nhận định AI có thể trở thành mối nguy hại cho xã hội khi anh thể hiện quan điểm ủng hộ quy định bổ sung từ chính phủ Mỹ, song cũng lưu ý về sự tiến bộ mà công nghệ này có thể mang lại về mặt lao động, chăm sóc sức khỏe và kinh tế. Altman cho biết thêm quy định quản lý sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và giảm thiểu các tác động tiêu cực của AI.
Thu Hà (t/h)