![]() |
Ông Donald Trump xem xét áp thuế trả đũa các nước nhắm vào Big Tech Mỹ |
Hãng Reuters ngày 22-2 đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã yêu cầu đại diện thương mại của mình khôi phục các cuộc điều tra, với quyết tâm áp thuế nhập khẩu đối với những nước đánh thuế kỹ thuật số lên các Big Tech Mỹ.
Thuế dịch vụ kỹ thuật số là loại thuế đánh trên doanh thu từ các dịch vụ kỹ thuật số như quảng cáo trực tuyến, bán dữ liệu người dùng, hoặc các dịch vụ nền tảng kỹ thuật số.
Mục đích là điều tra xem liệu các nước có dùng thuế này để "phân biệt đối xử với doanh nghiệp Mỹ" hay không.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết ông Donald Trump đã chỉ đạo giới chức cân nhắc các biện pháp đáp trả, như thuế nhập khẩu, "để đối phó lại thuế dịch vụ số, các khoản phạt và chính sách mà chính phủ nước ngoài áp lên doanh nghiệp Mỹ".
Thuế dịch vụ kỹ thuật số chủ yếu nhắm vào các Big Tech Mỹ như Google, Facebook, Apple và Amazon - vốn có doanh thu khổng lồ từ thị trường quốc tế. Trong nhiều năm qua, vấn đề này đã trở thành "cái gai" trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và nhiều nước.
Hiện tại, Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Áo và Canada đều đã áp thuế dịch vụ kỹ thuật số lên doanh thu của các công ty công nghệ hoạt động trong lãnh thổ của họ.
Ở nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã khởi động cuộc điều tra theo mục 301 về các hành vi thương mại không công bằng và phát hiện rằng một số quốc gia trên đã phân biệt đối xử với công ty Mỹ, tạo tiền đề cho Washington áp thuế trả đũa đối với một số mặt hàng nhập khẩu để gây áp lực buộc họ thay đổi chính sách thuế kỹ thuật số đó.
"Những gì họ làm với chúng ta là rất kinh khủng", ông Trump cho biết trước báo giới ngày 21/2.
Trước đó, vị Tổng thống này cũng hé lộ sẽ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Pháp nhằm đáp trả thuế dịch vụ kỹ thuật số của hai nước này. Nhà Trắng cho biết Canada và Pháp thu về hơn 500 triệu USD mỗi năm từ thuế dịch vụ kỹ thuật số, trong khi tổng số thuế thu được trên toàn cầu đạt hơn 2 tỷ USD.
Ngoài ra, ông Trump còn yêu cầu chính quyền Mỹ xem xét liệu các chính sách của Liên minh châu Âu (EU) hoặc Anh có "khuyến khích các công ty Mỹ phát triển hoặc sử dụng công nghệ theo cách làm suy yếu tự do ngôn luận hoặc thúc đẩy kiểm duyệt hay không".
Nhà Trắng cho biết sẽ đặc biệt xem xét cách các công ty Mỹ bị đối xử dưới tác động của Đạo luật thị trường kỹ thuật số và Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của EU.
Năm 2021, sau khi ông Trump mở cuộc điều tra về thuế dịch vụ số, Đại diện Thương mại Mỹ thời đó là bà Katherine Tai đã áp thuế 25% với hơn 2 tỷ USD hàng nhập khẩu từ 6 nước. Nhưng sau đó, Mỹ hoãn áp dụng thuế này để tiếp tục đàm phán thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu.
Thỏa thuận được thống nhất vào tháng 10/2021 bởi gần 140 quốc gia, gồm các nền kinh tế lớn như EU, Trung Quốc và Ấn Độ. Nó cho phép các nước nơi sản phẩm hoặc dịch vụ được tiêu thụ có quyền đánh thuế lên Big Tech, ngay cả khi họ không hiện diện trực tiếp.
Phạm vi áp dụng là các công ty doanh thu từ 750 triệu euro trở lên, với mức thuế tối thiểu 15% trên toàn cầu. Liên minh châu Âu, Anh và nhiều quốc gia khác đã áp dụng. Tuy nhiên, quốc hội Mỹ chưa bao giờ thông qua các biện pháp để nước này tuân thủ thỏa thuận.
Ngay sau khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã nhanh chóng rút Mỹ khỏi thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu với gần 140 quốc gia, khẳng định rằng mức thuế 15% này "không có hiệu lực tại Mỹ". Đồng thời, ông yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ đề xuất các biện pháp bảo vệ kinh tế cho doanh nghiệp trong nước.
Hiện tại, chính quyền ông Donald Trump vẫn chưa công bố cụ thể mức thuế trả đũa sẽ là bao nhiêu, cũng như giá trị hàng hóa bị nhắm đến.