Tỷ phú Bill Gates từng có ý định tham gia chính trị |
Năm 1972, khi mới 17 tuổi, tỷ phú Bill Gates vẫn chưa hoàn toàn tin rằng máy tính sẽ trở thành một xu hướng lớn trong tương lai. Trước sự bất định đó, ông đã cân nhắc một hướng đi khác đó là chính trị.
Lúc bấy giờ, ông Gates làm việc với tư cách nhân viên phục vụ cho Hạ viện tại Olympia, Washington (Mỹ) khi còn là học sinh trung học. Dù từ nhỏ đã có niềm đam mê với phần mềm và thường dành hàng giờ lập trình trong tầng hầm của Đại học Washington, nhưng vào thời điểm đó, máy tính vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ, chưa ai có thể chắc chắn về tương lai của nó.
Chính trải nghiệm làm việc tại Olympia, Washington đã khiến ông Gates bị cuốn hút vào thế giới chính trị. Ông dành trọn một tháng làm việc tại Đồi Capitol, nơi diễn ra hàng loạt sự kiện kịch tính, trong đó có việc ứng cử viên phó tổng thống đảng Dân chủ Thomas Eagleton bất ngờ rút khỏi cuộc đua năm 1972. Ông Gates thậm chí còn thu thập và bán các huy hiệu vận động tranh cử của ông Eagleton như một món đồ sưu tầm. Nhìn lại, ông mô tả đây là "bộ phim chính trị ly kỳ nhất" mà mình từng chứng kiến.
Sự hứng thú với chính trị khiến tỷ phú Bill Gates bắt đầu cân nhắc nghiêm túc về một con đường sự nghiệp khác, bắt đầu bằng việc theo học ngành luật. Khi nộp đơn vào các trường đại học, ông không đặt trọng tâm vào máy tính mà hướng đến những lĩnh vực rộng hơn. Trong bài luận gửi Harvard, ông Bill Gates viết rằng "quan tâm nhất đến kinh doanh hoặc luật", trong khi với Yale, ông bày tỏ mong muốn theo đuổi công việc trong chính phủ.
Tuy nhiên, một bước ngoặt quan trọng đã thay đổi mọi thứ. Tháng 12 năm 1974, công ty điện tử MITS ra mắt bộ máy tính mini Altair 8800, một sản phẩm được xem là bước đột phá lớn trong ngành công nghệ. Khi biết tin này qua tạp chí Popular Electronics, ông Bill Gates lập tức nhận ra cơ hội. Ông cùng người bạn thân Paul Allen nhanh chóng viết thư cho MITS, đề xuất phát triển một ngôn ngữ lập trình cho Altair. Chỉ trong vài tuần, hai chàng trai trẻ đã viết nên BASIC, ngôn ngữ lập trình giúp biến Altair thành một máy tính thực sự hữu dụng. Thành công này mở đường cho sự ra đời của Microsoft vào năm 1975, đánh dấu bước chuyển mình hoàn toàn của Gates từ một cậu bé mơ màng về chính trị sang doanh nhân công nghệ đầy tham vọng.
Dù không trở thành một chính trị gia, ông Bill Gates chưa bao giờ rời xa chính trường. Với khối tài sản khổng lồ, ông đã trở thành một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho các chiến dịch chính trị và các tổ chức từ thiện toàn cầu. Theo The New York Times, vào tháng 10 năm ngoái, Gates đã bí mật quyên góp 50 triệu USD cho Future Forward, một siêu ủy ban hành động chính trị ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris.
Ngoài ra, thông qua Quỹ Bill & Melinda Gates, ông tích cực vận động các chính phủ tài trợ cho y tế, giáo dục và biến đổi khí hậu. Ông Gates từng có nhiều cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo thế giới, từ Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Donald Trump cho đến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhằm thúc đẩy các sáng kiến toàn cầu.
Bản thân tỷ phú Bill Gates từng thừa nhận: "Thật khó để làm việc ở Quốc hội, dù chỉ ở cấp thấp nhất, mà không bị cuốn vào guồng quay chính trị."
Có lẽ, nếu không có Altair 8800, Bill Gates có thể đã trở thành một nhân vật quyền lực trong chính phủ Mỹ thay vì người sáng lập Microsoft. Nhưng dù ở vai trò nào, ông vẫn là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới – dù là trong lĩnh vực công nghệ, chính trị hay từ thiện.