![]() |
Xanh SM có thể đang cân nhắc gia nhập thị trường giao đồ ăn |
Sau khi vươn lên dẫn đầu thị trường taxi công nghệ Việt Nam, Xanh SM – thương hiệu gắn liền với hình ảnh những chiếc taxi và xe máy điện màu xanh đặc trưng – đang tính toán bước tiến mới: thâm nhập thị trường giao đồ ăn trực tuyến.
Thông tin này được hé lộ trong một bài đăng tuyển dụng trên mạng xã hội, khi ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc toàn cầu của GSM – đơn vị vận hành Xanh SM, cho biết công ty đang nghiên cứu về mảng Food Delivery. Ông Thanh nhận định đây là lĩnh vực giàu tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển tại Việt Nam.
Theo đó, Xanh SM đang tìm kiếm những ứng viên dày dạn kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành và phát triển mảng giao đồ ăn để cùng thảo luận về khả năng gia nhập thị trường này. Tuy chưa có quyết định chính thức, nhưng động thái chủ động chiêu mộ nhân sự đã cho thấy Xanh SM đang nghiêm túc cân nhắc mở rộng hoạt động sang lĩnh vực mới.
Sau hai năm hiện diện, Xanh SM đã khẳng định vị thế "kẻ dẫn đầu" trong lĩnh vực taxi công nghệ. Theo báo cáo của Mordor Intelligence, quý IV/2024, Xanh SM nắm giữ 37,41% thị phần, vượt qua Grab với 36,62%, trong khi các đối thủ khác như Be chỉ đạt 5,55%, Mai Linh 4,81% và Vinasun 2,44%. Thành công này đến từ mô hình vận tải xanh gắn với xe điện, vừa thân thiện môi trường, vừa tối ưu chi phí nhiên liệu. Đây cũng chính là lợi thế cạnh tranh đáng kể nếu Xanh SM lấn sân mảng giao đồ ăn.
Thực tế, chi phí vận hành luôn là bài toán nan giải đối với các dịch vụ giao hàng. So với xe máy xăng, việc sử dụng xe máy điện có thể giúp tài xế Xanh SM tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu – yếu tố sống còn để duy trì thu nhập ổn định trong ngành giao đồ ăn. Hơn thế, khi xu hướng tiêu dùng xanh đang dần trở nên phổ biến, Xanh SM hoàn toàn có thể khai thác thế mạnh này của mình như một điểm nhấn khác biệt nhằm thu hút người dùng và đối tác nhà hàng.
Chưa kể, mạng lưới tài xế sẵn có từ mảng gọi xe và giao hàng bằng xe điện cũng là một nền tảng tốt để Xanh SM nhanh chóng mở rộng quy mô, nếu quyết định gia nhập thị trường giao đồ ăn.
Tuy nhiên, cánh cửa cơ hội chưa hẳn đã rộng mở. Thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam hiện nay là sân chơi gần như thuộc về hai "gã khổng lồ" GrabFood và ShopeeFood, nắm giữ lần lượt 48% và 47% thị phần theo báo cáo của Momentum Works. Những cái tên còn lại như Be chỉ chiếm 4%, trong khi Gojek đã chính thức rút lui từ tháng 9/2024.
![]() |
Thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam được định giá 1,8 tỷ USD trong năm 2024, tăng từ 1,4 tỷ USD năm 2023 |
Để cạnh tranh với hai đối thủ lớn, Xanh SM sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Thói quen của người dùng đã được định hình qua nhiều năm với những ứng dụng quen thuộc, hệ sinh thái ưu đãi phong phú và mạng lưới nhà hàng phủ rộng. Việc thuyết phục khách hàng và đối tác thay đổi sang một nền tảng mới không phải chuyện đơn giản.
Đặc thù của mảng giao đồ ăn còn đòi hỏi sự đầu tư bài bản về nền tảng công nghệ, đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru, từ khâu đặt món đến giao hàng. Song song đó, việc xây dựng mạng lưới nhà hàng đối tác đủ rộng để đáp ứng nhu cầu người dùng cũng là một cuộc đua dài hơi, tiêu tốn nhiều thời gian và nguồn lực.
Dẫu vậy, Xanh SM vẫn có những "nước đi" để tạo khác biệt. Với nền tảng sẵn có từ dịch vụ taxi điện và giao hàng, Xanh SM hoàn toàn có thể hướng đến việc xây dựng một hệ sinh thái đa dịch vụ – kết hợp giữa gọi xe, giao hàng và giao đồ ăn trên cùng một ứng dụng. Mô hình này đã được chứng minh hiệu quả tại nhiều thị trường, giúp tăng trải nghiệm khách hàng và tối ưu nguồn lực tài xế.
Thêm vào đó, trong khi GrabFood và ShopeeFood tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, Xanh SM có thể tận dụng lợi thế am hiểu thị trường để mở rộng đến các tỉnh, thành phố nhỏ hơn – nơi mà nhu cầu đang tăng nhưng chưa có nhiều sự cạnh tranh quyết liệt.
Theo báo cáo của Momentum Works, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam được định giá 1,8 tỷ USD trong năm 2024, tăng từ 1,4 tỷ USD năm 2023. Động lực tăng trưởng đến từ cả ba phía: người dùng, nhà hàng và các nền tảng. Người Việt ngày càng ưu tiên đặt món qua ứng dụng vì tính tiện lợi, nhiều khuyến mãi.
Khảo sát của Q&Me cho thấy, có tới 30% người tham gia thường xuyên gọi đồ ăn cho bữa trưa, chỉ đứng sau thói quen mang cơm nhà (46%) và cao hơn đáng kể so với việc đi ăn tại quán (12%). Đáng chú ý, ngay cả trong dịp Tết – thời điểm vốn coi trọng những bữa cơm gia đình, 19% người được hỏi cho biết họ chọn đặt đồ ăn giao tận nhà để tổ chức tiệc cuối năm, theo số liệu của GrabFood.
Các món ăn vặt cũng là nhân tố thúc đẩy sự bận rộn của các nền tảng giao đồ ăn. Theo Q&Me, trà sữa vẫn là món được yêu thích nhất với 77% lựa chọn, theo sau là các món tráng miệng, đồ ngọt (37%).
Ở chiều ngược lại, nhà hàng cũng ngày càng tích cực tham gia vào nền tảng trực tuyến để mở rộng tệp khách hàng. Tính đến tháng 11/2024, GrabFood ghi nhận số lượng đối tác nhà hàng đã tăng gấp 5 lần so với thời điểm ra mắt vào tháng 6/2018.
Những con số tích cực trên cho thấy dư địa phát triển của thị trường giao đồ ăn vẫn còn rất lớn. Nếu có chiến lược bài bản và tận dụng tốt lợi thế vận tải xanh, Xanh SM hoàn toàn có thể tìm được chỗ đứng trong cuộc chơi đầy sôi động này.