Tăng cường minh bạch, ngăn chặn lạm dụng kiểm tra văn bản
Theo Nghị định, hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản phải đảm bảo tính toàn diện, khách quan, công khai, minh bạch; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Đồng thời, phải kết hợp kiểm tra từ cơ quan có thẩm quyền với việc tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.
Đặc biệt, Nghị định nhấn mạnh không được lợi dụng việc kiểm tra, xử lý văn bản để trục lợi, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan ban hành hay cản trở quá trình xử lý vi phạm pháp luật. Các hành vi vi phạm trong quá trình kiểm tra, xử lý văn bản sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
![]() |
Chính phủ ban hành quy định mới về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật. |
Rộng phạm vi văn bản thuộc diện kiểm tra
Nghị định quy định rõ các loại văn bản thuộc đối tượng kiểm tra gồm: Các VBQPPL quy định từ khoản 3 đến khoản 14 Điều 4 của Luật Ban hành VBQPPL, bao gồm cả văn bản có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Văn bản có dấu hiệu chứa quy phạm pháp luật nhưng không ban hành đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục.
Các văn bản thuộc diện này có thể do các cơ quan như: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, các cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các cấp... ban hành. Ngoài ra, còn bao gồm các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 61 của Luật
5 nội dung cần kiểm tra khi rà soát văn bản
Việc kiểm tra văn bản được thực hiện trên 5 nội dung chính:
Thẩm quyền ban hành
Nội dung và hình thức văn bản
Trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành
Căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày
Việc tuân thủ quy định bảo mật nếu văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước.
Làm rõ căn cứ xác định văn bản trái pháp luật
Nghị định nêu rõ, căn cứ pháp lý để xác định một văn bản trái pháp luật là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, đang có hiệu lực hoặc sẽ có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản được kiểm tra.
Đối với các văn bản có sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày hoặc căn cứ ban hành, việc xác định dựa trên các văn bản quy định chuyên ngành do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.