Với mục tiêu của chiến lược là xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn. Hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học.
Phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới; kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo của Tổ quốc. Thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt...
Trong nội dung của quyết định nêu rõ định hướng phát triển thủy sản theo để có thể tập trung nguồn lực củng cố, mở rộng, phát triển và thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội từng vùng, nhất là khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển, trong rừng ngập mặn, các đầm phá, trên thượng nguồn và lưu vực của các dòng sông.
Hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhà nước đẩy mạnh công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho tổ chức cộng đồng ở vùng biển ven bờ và thủy vực nội địa. Xây dựng các làng cá (ven đô, cửa sông, lòng hồ, bãi ngang, hải đảo,...) gắn với du lịch và các ngành nghề khác đảm bảo sinh kế cho cộng đồng ngư dân. Chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản; giảm mạnh các nghề xâm hại đến nguồn lợi thủy sản. Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về thủy sản và khuyến ngư ở địa phương.
Định hướng cho phát triển thủy sản theo từng vùng được nêu cụ thể trong quyết định như Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Vùng Đông Nam bộ, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Vùng miền núi, trung du phía Bắc và Tây Nguyên. Khuyến khích tiếp tục đổi mới cơ cấu nghề khai thác hải sản, phát triển hiệu quả các nghề khai thác hải sản theo từng đặc điểm của từng vùng. Tổ chức hợp lý hóa các nghề khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ, gắn với phát triển du lịch sinh thái biển và nuôi trồng thủy sản trên biển. Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, năng suất cao, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích các cơ sở chế biến thủy sản đầu tư khoa học công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm cá ngừ đại dương, tôm hùm, nhuyễn thể,... nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu. Đầu tư khôi phục, nâng cao uy tín thương hiệu các sản phẩm nội địa truyền thống như nước mắm, khô mực, tôm chua,... Xây dựng, phát triển thương hiệu cá ngừ đại dương Việt Nam.
Phát triển các cơ sở chế biến sâu, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thực phẩm ăn liền phục vụ du lịch, thị trường thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các thành phố lớn và xuất khẩu. Đầu tư Trung tâm nghề cá lớn Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam bộ đồng bộ với các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, kết cấu hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá tại Vũng Tàu, Côn Đảo, các trung tâm logistics, kho ngoại quan trong vùng,..
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phải là chiến lược tập trung trí tuệ của các vùng miền. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, chiến lược thủy sản đã được xây dựng một cách khẩn trương trên cơ sở đánh giá thực trạng và kết quả thực hiện chiến lược những năm trước.
“Có thể thấy rõ một điều đó là hàng năm chúng ta phải chịu áp lực tăng trưởng từ 5 - 6%. Nhưng dư địa nào cũng chỉ đến độ thế nên rất cần phải có một chiến lược mới. Chiến lược này phải tập trung trí tuệ của tất cả các vùng miền. Vùng ĐBSCL và Cần Thơ, miền Trung, miền Bắc; các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề, các nhà khoa học, các chuyên gia… Tổng cục Thủy sản cần xắn tay cùng các đơn vị tư vấn để có được chiến lược đó”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ công bố đã nêu rõ những mục tiêu, chỉ tiêu cần đạt. Trong đó cần lưu ý đặc biệt tới 11 đề án, chương trình.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT xác định Tổng cục Thủy sản cần phải xây dựng, tổ chức kế hoạch thực hiện của Bộ. Bên cạnh đó Vụ Kế hoạch Tài chính, trên cơ sở những ý kiến đóng góp cần lên một kế hoạch cụ thể. Sau khi có được kế hoạch của Bộ, Tổng cục Thủy sản sẽ bàn và phân công cụ thể theo các đề cương càng sớm càng tốt.
“Chúng ta phải bàn bạc kĩ lưỡng, bám vào từng mục tiêu nhưng phải có giải pháp cụ thể. Nền tảng cho ngành thủy sản là nguồn lực đã được chuẩn bị cơ bản, đó cũng là điều kiện tiên quyết và khó khăn nhất. Bây giờ chúng ta chỉ cần tập trung vào những vấn đề cụ thể khác”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Lê Mai