Lợi thế của bất động sản xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Theo báo cáo của Cơ quan Biến đổi Khí hậu thuộc Liên minh châu Âu, mùa hè năm 2024 được ghi nhận là mùa hè nóng nhất kể từ năm 1940. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sự gia tăng nhiệt độ, các đợt nắng nóng kéo dài, ô nhiễm không khí và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác đã gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Đặc biệt, khi nhiệt độ trung bình tăng thêm 1°C, tỷ lệ nhập viện ở trẻ em dưới 5 tuổi vì các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp tăng lên 3,8%. Biến đổi khí hậu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các vector truyền bệnh, làm gia tăng khả năng bùng phát và lây lan dịch bệnh.
Trước tình hình đó, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã bắt đầu chú trọng đến việc phát triển bền vững. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết giảm mức phát thải ròng của Việt Nam xuống còn 0 vào năm 2050, đồng thời gia nhập cam kết của 167 quốc gia khác. Cam kết này đã tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy các xu hướng phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
Dù khởi đầu muộn so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể. Theo Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC), đến cuối năm 2019, số lượng công trình xanh tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 1/3 so với Thái Lan và 1/15 so với Singapore, với tổng cộng 70 dự án. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng dự án xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến năm 2024, đã có hơn 400 dự án xanh được triển khai, vượt xa mục tiêu ban đầu là 80 dự án vào năm 2025, cho thấy sự nỗ lực của toàn ngành bất động sản trong việc theo đuổi chiến lược phát triển bền vững.
Ông Trần Ngọc Duy, Phó Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản của Savills Hà Nội. |
Ông Trần Ngọc Duy, Phó Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản của Savills Hà Nội, cho biết: “Để được công nhận là công trình xanh, ngoài việc đáp ứng các tiêu chí về thiết kế, vật liệu thi công, dự án còn phải đảm bảo hiệu suất môi trường, tiết kiệm năng lượng và các tiêu chí vận hành bền vững”. Theo ông Duy, việc chuyển đổi sang mô hình công trình xanh mang lại nhiều lợi thế cho các chủ đầu tư, giúp họ thu hút khách hàng và duy trì tỷ lệ lấp đầy cao. Đồng thời, các công trình này cũng có thể được chào bán hoặc cho thuê với chi phí hợp lý hơn.
Các dự án xanh không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu và chính sách phát triển bền vững của Chính phủ, mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về một không gian sống và làm việc khỏe mạnh, an toàn. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, môi trường sống và làm việc của cộng đồng đã trở thành yếu tố ưu tiên, khiến các bất động sản xanh trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cho các công trình xanh có thể cao hơn so với các dự án truyền thống, nhưng lợi ích dài hạn của việc vận hành bền vững sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt. Các công trình xanh không chỉ giảm chi phí năng lượng tiêu thụ mà còn giảm thiểu tác động môi trường, giúp tiết kiệm chi phí vận hành và duy trì giá trị tài sản lâu dài.
Những yếu tố quan trọng trong vận hành dự án xanh
Theo các chuyên gia từ Savills, để đảm bảo đạt được mục tiêu phát triển bền vững, quá trình vận hành một dự án xanh cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, ban quản lý và cư dân. Mỗi bên phải thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng và quản lý theo tiêu chuẩn xanh, từ khâu thiết kế cho đến vận hành, nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Bất động sản xanh đang là một trong những xu hướng nhằm bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng (Ảnh: Phan Chính). |
Để một công trình được công nhận là xanh, ngoài các yếu tố về thiết kế và vật liệu xây dựng, dự án phải tuân thủ các tiêu chuẩn vận hành bền vững và tiết kiệm năng lượng. Hiện nay, có bốn chứng nhận công trình xanh phổ biến nhất trên thế giới: LEED, EDGE, WELL Building Standard và LOTUS. Các chứng nhận này quy định các giải pháp thực tiễn để tối ưu hóa hiệu suất môi trường, bao gồm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ nguồn nước, cải thiện chất lượng không khí và đảm bảo sự an toàn, sức khỏe cho người sử dụng.
Một trong những yếu tố quan trọng trong việc vận hành hiệu quả một dự án xanh là việc tối ưu hóa điện năng và lượng nước tiêu thụ. Theo kinh nghiệm của Savills, việc thay thế đèn hiệu suất thấp bằng đèn LED, bóng phản quang và halogen có tuổi thọ cao giúp giảm mức tiêu thụ điện xuống dưới 20 watt/m². Đặc biệt, hệ thống điều hòa không khí là yếu tố quan trọng giúp tiết kiệm năng lượng. Chỉ cần điều chỉnh nhiệt độ ở khu vực chung tăng hoặc giảm 1°C cũng có thể giúp tiết kiệm đến 10% năng lượng dùng cho việc làm mát hoặc sưởi ấm tòa nhà.
Quản lý nước cũng là một yếu tố then chốt trong vận hành dự án xanh. Các biện pháp tiết kiệm như điều chỉnh lưu lượng nước tại các vòi xuống chỉ còn khoảng 3,5 lít/phút và tối ưu hóa mức xả bồn cầu ở 4,5 lít/lần có thể tiết kiệm được lượng nước đáng kể. Thậm chí, một số dự án còn áp dụng hệ thống tái sử dụng nước thiên nhiên, như nước mưa, để giảm lượng nước tiêu thụ. Theo Savills, các giải pháp tiết kiệm nước đã giúp các dự án văn phòng tiết kiệm 17% lượng nước tiêu thụ trên mỗi mét vuông diện tích sử dụng, trong khi đối với các dự án nhà ở, con số này cũng đạt giảm 3%, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước.
Một yếu tố đặc biệt quan trọng trong các dự án xanh là chất lượng không khí bên trong tòa nhà. Trong bối cảnh chất lượng không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội đang liên tục bị suy giảm, các dự án xanh được trang bị hệ thống thông gió và lọc không khí hiệu quả, giúp cải thiện môi trường sống cho cư dân. Các hệ thống lọc không khí hiện đại giúp giảm thiểu bụi thô và các hạt bụi mịn trong không khí, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt.
Quản lý vận hành một dự án xanh không chỉ đơn giản là tối ưu hóa các yếu tố như năng lượng, nước và không khí mà còn cần chú trọng đến việc vận hành hệ thống kỹ thuật một cách hiệu quả. Điều này đòi hỏi ban quản lý phải thường xuyên đánh giá, điều chỉnh thông số hoạt động và xây dựng kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng hợp lý để duy trì các hệ thống trong tình trạng hoạt động tốt nhất. Việc áp dụng các công nghệ quản lý năng lượng, phần mềm theo dõi và cải thiện cách nhiệt, cách âm cũng là một phần quan trọng trong chiến lược vận hành dự án xanh.