Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Báo cáo Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 là một văn kiện quan trọng của Đại hội XIV đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện sau khi được Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII) thông qua dự thảo các nội dung cơ bản, chuẩn bị các bước xin ý kiến đại hội đảng các cấp.
Với tinh thần chủ đạo là đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, báo cáo lần này có nhiều nội dung định hướng mới, mang tính đột phá bao trùm trên các ngành, lĩnh vực, trong đó có các điểm trọng tâm, cốt lõi.
Thứ nhất, phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm.
Báo cáo Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 với tinh thần chủ đạo à đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới . |
Thứ hai, quyết tâm, nỗ lực đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn tới và tiếp tục duy trì trong dài hạn. Yêu cầu này đặt ra từ Mục tiêu tổng quát trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Mục tiêu này tuy nhiều khó khăn, thách thức nhưng như kinh nghiệm của một số nước phát triển cho thấy, để trở thành nước có thu nhập cao, các quốc gia này đều trải qua các giai đoạn dài trong lịch sử có mức tăng trưởng cao, có thể lên tới hai con số như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Hình thành năng lực sản xuất quốc gia trình độ cao, từng bước tự lực, tự cường về khoa học công nghệ để chủ động tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ; tăng cường ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới.
Nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công; tập trung nguồn lực vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có vốn nhà nước; đổi mới mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên.
Thứ tư, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Tháo gỡ vướng mắc cho thị trường vốn, thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); quan tâm phát huy các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội. Có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư bằng chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các quỹ đầu tư và cung cấp kết cấu hạ tầng. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư đang tồn đọng, chậm triển khai để khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế. Áp dụng linh hoạt trần nợ công để tăng thêm nguồn lực phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng.
Thứ năm, để đạt được mức tăng trưởng cao trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tập trung thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược đã được xác định qua các kỳ Đại hội Đảng, trong đó hoàn thiện thể chế phát triển được coi là “đột phá của đột phá” của giai đoạn tới.
Tiếp tục nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập quốc tế; vừa phục vụ yêu cầu quản lý, vừa thúc đẩy phát triển. Đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, khu thương mại tự do... Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa trung ương và địa phương.
Đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả, chất lượng giáo dục và đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo. Đào tạo nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi như trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, xây dựng, vận hành đường sắt cao tốc...
Đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng tính đặc thù của lao động nghiên cứu khoa học và yêu cầu của thực tiễn; chấp nhận rủi ro và độ trễ trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đầu tư và sử dụng có hiệu quả các trung tâm nghiên cứu và phát triển, đào tạo lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, công nghiệp điện tử, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh. Triển khai đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, một số tuyến đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế, kết nối quốc tế với Trung Quốc, đường sắt kết nối cảng hàng không quốc tế. Phát triển hạ tầng năng lượng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế cao, bảo đảm an ninh năng lượng. Đầu tư, hiện đại hóa hạ tầng số đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.