Ngành sản xuất Việt Nam đã đánh mất động lực tăng trưởng trong tháng cuối cùng của năm 2024 khi chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm xuống còn 49,8 điểm, thấp hơn ngưỡng trung tính 50 điểm lần đầu tiên sau ba tháng. Báo cáo từ S&P Global, công bố ngày 2/1/2025, cho thấy, những dấu hiệu suy yếu rõ rệt trong các điều kiện kinh doanh tổng thể. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng nhưng với tốc độ chậm, niềm tin kinh doanh giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 19 tháng, và tình trạng cắt giảm việc làm tiếp diễn.
Trong tháng 12, các doanh nghiệp ghi nhận sự gia tăng nhẹ ở cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này là yếu nhất trong ba tháng gần đây. Một số công ty báo cáo nhu cầu khách hàng cải thiện, nhưng nhiều doanh nghiệp khác lại phản ánh sự suy giảm trong các điều kiện thị trường. Đặc biệt, tổng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ hai liên tiếp và tốc độ giảm ở mức đáng kể, cho thấy những khó khăn trong việc duy trì đà xuất khẩu.
Chỉ số PMI tháng cuối năm giảm nhẹ. |
Tâm lý kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những bất ổn trên thị trường toàn cầu, khiến niềm tin về triển vọng sản lượng trong một năm tới giảm mạnh. Đây là mức niềm tin thấp nhất kể từ tháng 5/2023. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn lạc quan rằng số lượng đơn đặt hàng mới có thể tăng trở lại nhờ vào sự cải thiện của các điều kiện kinh tế và việc giải quyết một số xung đột trên thế giới.
Trước dự báo sản lượng có thể tăng trong thời gian tới, các doanh nghiệp đã bắt đầu gia tăng hoạt động mua sắm nguyên vật liệu, với tốc độ tăng nhanh nhất trong bốn tháng. Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn được duy trì khi các công ty hạn chế tích trữ, dẫn đến mức tồn kho hàng mua và hàng thành phẩm tiếp tục giảm. Đồng thời, việc làm trong ngành sản xuất giảm tháng thứ ba liên tiếp, với tốc độ giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2024. Sự sụt giảm nhân lực này xảy ra trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới tăng yếu, khiến lượng công việc tồn đọng gia tăng trong bảy tháng qua.
Áp lực lạm phát cũng gia tăng đáng kể trong tháng 12. Các doanh nghiệp báo cáo chi phí đầu vào và giá cả đầu ra tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2024. Sự khan hiếm nguyên vật liệu, cùng với biến động tỷ giá hối đoái, được xem là nguyên nhân chính làm gia tăng chi phí, đặc biệt đối với các mặt hàng như dầu và kim loại. Để bù đắp, các doanh nghiệp đã điều chỉnh giá bán đầu ra tháng thứ tám liên tiếp, với tốc độ tăng cao hơn mức trung bình lịch sử của chỉ số.
Thời gian giao hàng từ nhà cung cấp tiếp tục bị kéo dài tháng thứ tư liên tiếp, dù mức độ chậm trễ đã giảm nhẹ. Những khó khăn trong giao thông vận tải được coi là nguyên nhân chính của hiện tượng này, nhưng ảnh hưởng không còn đáng kể như trước.
Bức tranh toàn cảnh ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 12 cho thấy những tín hiệu đáng lo ngại về sức khỏe của lĩnh vực này, khi sự sụt giảm ở một số chỉ số quan trọng phản ánh áp lực từ cả thị trường nội địa lẫn quốc tế. Tuy nhiên, niềm tin vào sự phục hồi vẫn hiện hữu, nhờ kỳ vọng vào các đơn đặt hàng mới và sự cải thiện của các điều kiện kinh tế trong tương lai gần.