Trong những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã có nhiều bước đi linh hoạt, chủ động nhằm tăng cường hợp tác quốc tế và huy động hiệu quả các nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN). Đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp địa phương thu hút nguồn lực phục vụ phát triển bền vững, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
UBND tỉnh Sơn La đã bám sát các quy định của Chính phủ, xây dựng khung pháp lý đồng bộ và ban hành Chương trình tăng cường hợp tác, vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan trung ương như Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao), Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam để triển khai chương trình một cách bài bản, hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Văn May, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh, Sơn La đã xây dựng danh mục dự án kêu gọi viện trợ bằng song ngữ Việt - Anh, tạo thuận lợi cho các tổ chức tiếp cận và đánh giá các ưu tiên đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các cuộc gặp, làm việc trực tiếp với các tổ chức PCPNN nhằm giới thiệu nhu cầu, kêu gọi viện trợ, đồng thời theo sát việc triển khai, chủ động tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
![]() |
Mô hình sản xuất cây gai xanh tại xã Song Khủa thuộc Dự án GREAT hỗ trợ. |
Từ năm 2019 đến nay, tổng giá trị viện trợ PCPNN dành cho Sơn La đạt hơn 19,3 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu như phát triển sinh kế, du lịch cộng đồng, nông nghiệp bền vững, y tế, giáo dục, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ trẻ em. Đáng chú ý, nhiều dự án đã trở thành mô hình mẫu, có tính lan tỏa cao và được nhân rộng ra các địa phương khác.
Một trong những điểm sáng là Dự án GREAT – dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Australia tài trợ, nhằm nâng cao quyền năng kinh tế - xã hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2 của dự án (2022-2027) đang được triển khai trên toàn tỉnh với tổng vốn hơn 250 tỷ đồng, trong đó hơn 236 tỷ đồng là viện trợ không hoàn lại.
Trong giai đoạn tới, Sơn La tiếp tục chú trọng cải cách thủ tục hành chính trong tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức PCPNN hoạt động tại địa phương. Mục tiêu là không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, huy động thêm nhiều nguồn lực phục vụ phát triển bền vững.