Theo các chỉ số về sản xuất công nghiệp, các nhà máy của Mỹ trong tháng 8 vẫn đang hoạt động cầm chừng, điều này làm gia tăng những lo lắng về hướng đi của nền kinh tế số 1 thế giới.
Cụ thể, cuộc khảo sát hàng tháng của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) đối với các nhà quản lý mua hàng cho thấy chỉ có 47,2% báo cáo về sự mở rộng trong tháng 8. Mặc dù con số này cao hơn một chút so với mức 46,8% được ghi nhận trong tháng 7, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 11 năm ngoái, tuy nhiên lại thấp hơn mức dự báo đồng thuận của Dow Jones là 47,9%.
Ông Timothy Fiore, Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Doanh nghiệp Sản xuất của ISM, cho biết: "Mặc dù nền kinh tế vẫn đang trong vùng suy thoái, hoạt động sản xuất của Hoa Kỳ đã giảm chậm hơn so với tháng trước. Nhu cầu vẫn tiếp tục yếu, sản lượng giảm và đầu vào vẫn chỉ duy trì ở mức thích ứng".
Ông cho biết thêm: “Nhu cầu vẫn đang ở mức thấp, vì các công ty vào thời điểm này chưa muốn đầu tư mở rộng vốn và hàng tồn kho do chính sách tiền tệ liên bang hiện tại và sự bất ổn của cuộc bầu cử”. Ngoài ra, trong khi mức chỉ số cho thấy sự thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất, ông Fiore cho rằng, bất kỳ chỉ số nào trên 42,5% thường cho thấy sự mở rộng trên quy mô toàn bộ nền kinh tế.
Chỉ số yếu hơn dự kiến vào tháng trước đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc. Theo đó, S&P 500 đã tụt khoảng 8,5% trước khi phục hồi trở lại vào cuối phiên giao dịch. Bên cạnh đó, cổ phiếu Mỹ tiếp tục giảm với chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 500 điểm.
Ngoài ra, với chỉ số kinh tế yếu sau báo cáo của ISM làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất một phần tư điểm phần trăm vào cuối tháng này. Theo thống kê từ FedWatch của CME Group, tỷ lệ cược giảm nửa điểm phần trăm lãi suất của các nhà giao dịch hiện đã tăng lên 39%.
Cũng theo báo cáo vừa công bố, chỉ số việc làm đã tăng nhẹ lên 46% trong khi hàng tồn kho tăng vọt lên 50,3%. Về lạm phát, chỉ số giá cả tăng nhẹ lên 54%, điều này có thể khiến Fed phải xem xét kỹ càng cả các chỉ số kinh tế và giá cả khác trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về mức cắt giảm lãi suất.
Kết quả công bố của ISM được hỗ trợ bởi một chỉ số PMI khác từ S&P, cho thấy, mức giảm xuống còn 47,9 vào tháng 8 từ mức 49,6 vào tháng 7. Chỉ số việc làm của S&P cũng cho thấy, mức giảm lần đầu tiên trong năm nay, trong khi thước đo chi phí đầu vào tăng lên mức cao nhất trong 16 tháng, một dấu hiệu khác cho thấy lạm phát vẫn hiện hữu mặc dù đã giảm khá xa so với mức cao nhất vào giữa năm 2022.
Ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: "Chỉ số PMI tiếp tục giảm cho thấy lĩnh vực sản xuất đang trở thành lực cản gia tăng đối với nền kinh tế vào giữa quý 3. Các chỉ số tương lai cho thấy lực cản này có thể gia tăng trong những tháng tới".
Chỉ số quản lý thu mua - PMI (Purchasing Managers' Index) là một chỉ số kinh tế được sử dụng để đo mức độ hoạt động của ngành sản xuất và dịch vụ trong một nền kinh tế. PMI được tính toán từ việc khảo sát các quản lý mua hàng về mức độ hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng và các dịch vụ.
Nếu chỉ số PMI lớn hơn 50, tình hình sản xuất đang phát triển và hoạt động sản xuất được mở rộng. Ngược lại, nếu chỉ số PMI nhỏ hơn 50, các hoạt động kinh doanh đang thu hẹp. Chỉ số PMI cũng được sử dụng để đánh giá các chỉ số khác như GDP, CPI.
Lân Nguyễn (theo CNBC, Reuters)