Sau khi sáp nhập, Lâm Đồng là tỉnh đi đầu trong phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển. Thành tựu này được minh chứng qua những con số ấn tượng khi năm 2024, tỉnh đón hơn 9,6 triệu lượt khách, tăng 15,64% so với năm trước, trong đó lượng khách quốc tế ước đạt hơn 600.000 lượt.
Theo số liệu từ Cục Thống kê, lượng khách du lịch trong tháng 6/2025 ước đạt 1.028,7 nghìn lượt, tăng 5,6% so tháng trước và tăng 24,02% so với cùng kỳ năm trước (trong đó lượt khách phục vụ trong ngày ước đạt 49 nghìn lượt khách, tăng 8,59% so với tháng trước và tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước); doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.836,4 tỷ đồng tăng 7,42% so với tháng trước và tăng 25,05% so với cùng kỳ năm trước.
Sự phát triển du lịch biển cho tỉnh Lâm Đồng mới không chỉ dựa vào lợi thế về bãi biển đẹp mà còn nhờ vào tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú. Tỉnh sở hữu trữ lượng titan lớn nhất cả nước, cùng với hệ thống bãi biển đến với cát trắng mịn và làn nước trong xanh, tạo nên nguồn lực vững chắc để phát triển kinh tế du lịch bền vững. Điều này giúp Lâm Đồng có tiềm năng trở thành trung tâm kinh tế biển quan trọng sau khi sáp nhập, đóng vai trò là cửa ngõ du lịch biển.
![]() |
Khi biển và núi song hành tạo ra một cấu trúc du lịch bền vững |
Trong khi Bình Thuận nổi bật với du lịch biển, Lâm Đồng lại là điểm đến cao nguyên được yêu thích nhất cả nước với trung tâm là thành phố Đà Lạt. Hiện tại, Lâm Đồng sở hữu 4.203 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 66.023 phòng, trong đó có 110 khách sạn từ 3 đến 5 sao với 11.266 phòng, cho thấy cơ sở hạ tầng du lịch đã phát triển khá hoàn thiện.
Điểm đặc biệt của tỉnh Lâm Đồng mới sau sáp nhập chính là sự ra đời của một sản phẩm du lịch đặc biệt - sự kết hợp hoàn hảo giữa du lịch cao nguyên và du lịch biển trong cùng một tỉnh. Đây là lợi thế cạnh tranh độc đáo mà ít địa phương nào có được trên thị trường du lịch Việt Nam và thế giới. Sự đa dạng về địa hình, khí hậu và văn hóa sẽ cho phép phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp đến du lịch văn hóa và du lịch thể thao mạo hiểm.
Khi nhìn vào bức tranh tổng thể, cả Lâm Đồng và Bình Thuận đều là những điểm đến hút du khách hàng đầu cả nước với tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Việc sáp nhập sẽ tạo ra cơ hội mới cho phát triển du lịch thông qua việc kết nối các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng, tạo nên những tour du lịch liên hoàn hấp dẫn. Du khách sẽ có thể trải nghiệm một hành trình độc đáo từ khí hậu mát mẻ của cao nguyên Lâm Đồng với những đồi chè xanh mướt, vườn hoa rực rỡ và không khí trong lành, đến những bãi biển tuyệt đẹp của Phan Thiết - Mũi Né với hoạt động lướt ván diều và tắm biển.
Sự phát triển này không chỉ dừng lại ở con số lượng khách mà còn thể hiện ở chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Bình Thuận với thế mạnh về du lịch biển nghỉ dưỡng, thể thao nước và ẩm thực hải sản, kết hợp với Lâm Đồng nổi tiếng với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa và khí hậu mát mẻ quanh năm, sẽ tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch phong phú và hấp dẫn.
Với sự kết hợp giữa du lịch biển của Bình Thuận, du lịch cao nguyên của Lâm Đồng và du lịch sinh thái của Đắk Nông, tỉnh mới sẽ trở thành một điểm đến du lịch tổng hợp có sức cạnh tranh mạnh mẽ không chỉ trên thị trường nội địa mà còn vươn tầm quốc tế. Sự đa dạng về sản phẩm du lịch, từ nghỉ dưỡng biển, khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa đến du lịch mạo hiểm, sẽ đáp ứng được nhu cầu của mọi phân khúc khách hàng.