Tối ngày 13/7, ông Phan Công Bằng – Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh đã đến kiểm tra tại công trường tuyến metro số 2 nhằm đôn đốc tiến độ thi công, đặc biệt là việc di dời hạ tầng kỹ thuật tại các nhà ga.
Theo ông Bằng, dự án hiện đã hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng với 585/585 trường hợp đã bàn giao cho chủ đầu tư. Các nhà thầu đang triển khai đồng loạt công tác di dời hạ tầng tại 12 vị trí, bao gồm 10 nhà ga và hai đoạn đào hở. Các hạng mục được di dời gồm hệ thống điện, cấp thoát nước, viễn thông, chiếu sáng, cây xanh, biển báo và tín hiệu giao thông.
![]() |
Ông Phan Công Bằng – Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh ( người thứ 2 từ trái qua) kiểm tra tại công trường tuyến metro số 2. |
“Hiện tiến độ di dời hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 60%. Dù gặp không ít khó khăn do kết cấu ngầm phức tạp và sự sai lệch giữa bản vẽ và thực tế, các đơn vị đang phối hợp chặt chẽ để đảm bảo hoàn tất công tác này trong năm 2025, tiến tới khởi công đúng kế hoạch,” ông Bằng cho biết.
Để hạn chế ảnh hưởng đến người dân, phần lớn các công đoạn thi công được thực hiện vào ban đêm, đặc biệt tại các khu vực trung tâm có mật độ dân cư và giao thông cao. Những nơi phải rào chắn để thi công, đơn vị thi công được yêu cầu bố trí nhân viên hướng dẫn phương tiện, phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông phân luồng giao thông.
Các khu vực đã di dời hạ tầng sẽ được tái lập, hoàn trả mặt bằng theo đúng hiện trạng ban đầu. Đồng thời, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố cũng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong suốt quá trình thi công, nhất là vào mùa mưa.
![]() |
TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ tuyến metro số 2. |
Do tuyến metro đi qua khu vực đô thị dày đặc hạ tầng kỹ thuật ngầm, nhiều đoạn thi công phát sinh xung đột giữa thiết kế và thực địa. Để giải quyết, dự án đã áp dụng mô hình quản lý thông tin công trình (BIM) nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các điểm xung đột kỹ thuật.
Tuyến metro số 2 có chiều dài hơn 11km, trong đó hơn 9km đi ngầm, còn lại đi trên cao, kết nối trung tâm thành phố với khu vực cửa ngõ Tây Bắc. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 47.800 tỷ đồng. Ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2026, tuy nhiên do nhiều vướng mắc, thời hạn đã được điều chỉnh đến năm 2030.
![]() |
Đôn đốc tiến độ thi công, đặc biệt là việc di dời hạ tầng kỹ thuật tại các nhà ga. |
Liên quan đến nguồn vốn, TP. Hồ Chí Minh hiện đã thống nhất chủ trương dừng sử dụng các khoản vay ODA theo các thỏa thuận đã ký với Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) từ năm 2011, bao gồm 155 triệu euro vốn vay và 66,2 triệu euro vốn viện trợ không hoàn lại. Thành phố sẽ chuyển sang sử dụng vốn đầu tư công, đồng thời tiếp tục khai thác phần ODA không hoàn lại còn lại theo đúng quy định của pháp luật. UBND TP. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm toán về việc sử dụng vốn và tiến độ triển khai.
Tuyến metro số 2 được kỳ vọng sẽ giảm tải cho tuyến đường Trường Chinh – Cách Mạng Tháng Tám, kết nối trung tâm Thành phố với khu vực dân cư đông đúc phía Tây Bắc, đồng thời góp phần phát triển mạng lưới giao thông công cộng hiện đại và bền vững của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai.