Chiều 13/7, tại kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) diễn ra ở Paris (Pháp), hồ sơ điều chỉnh ranh giới Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Trị, Việt Nam) mở rộng sang Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Lào) đã chính thức được thông qua. Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên khu vực biên giới Việt – Lào có một di sản thiên nhiên chung được ghi danh, mở ra giai đoạn hợp tác mới về bảo tồn và quản lý di sản xuyên quốc gia trong khuôn khổ Công ước Di sản Thế giới năm 1972.
Thông tin trên được ông Lê Minh Tuấn – Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị xác nhận. Ông cho biết, việc mở rộng di sản là kết quả phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, thể hiện tinh thần hợp tác đặc biệt, bền chặt giữa hai nước láng giềng.
Khu di sản sau điều chỉnh có tên gọi chính thức: "Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô", với tổng diện tích liên vùng rộng lớn, bao trùm vùng karst đá vôi liên tục bậc nhất Đông Nam Á, trải dài từ tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) đến tỉnh Khăm Muộn (Lào).
![]() |
UNESCO chính thức công nhận Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Việt Nam) và Hin Nam Nô (Lào) là Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới đầu tiên giữa hai quốc gia |
Phong Nha - Kẻ Bàng từng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 2003 và tái công nhận lần thứ hai vào năm 2015. Đây là vùng lõi sinh thái quý hiếm với hơn 220km hang động, hệ thống sông ngầm phong phú cùng hàng nghìn loài động – thực vật đặc hữu và đang bị đe dọa toàn cầu. Vườn quốc gia Hin Nam Nô – phía tiếp giáp bên kia biên giới – là một trong những vùng rừng đá vôi nguyên sinh hiếm hoi còn lại ở Trung Đông Dương, với sự hiện diện của các loài linh trưởng đặc hữu của dãy Trường Sơn và hệ sinh thái rừng nhiệt đới nguyên vẹn.
Theo thống kê, Phong Nha – Kẻ Bàng sở hữu hơn 2.700 loài thực vật có mạch và 800 loài động vật có xương sống; riêng Hin Nam Nô ghi nhận trên 1.500 loài thực vật và 536 loài động vật, trong đó có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm, bao gồm cả voọc đen, vượn má trắng và các loài linh trưởng chỉ tồn tại tại khu vực Annamite.
Nhiều năm nay, chính quyền các địa phương biên giới hai nước đã triển khai cơ chế hợp tác liên chính phủ trong bảo vệ rừng, kiểm soát lâm sản và bảo tồn đa dạng sinh học. Việc UNESCO công nhận di sản liên biên giới lần này được xem là bước tiến quan trọng, vừa thúc đẩy hợp tác quốc tế, vừa tạo điều kiện để Việt Nam – Lào cùng xây dựng mô hình quản lý di sản bền vững, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Hồ sơ mở rộng di sản được hai nước chính thức gửi tới UNESCO vào tháng 2/2024. Với việc được ghi danh, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô sẽ là hình mẫu điển hình cho việc triển khai hiệu quả Công ước UNESCO 1972, đồng thời khẳng định vai trò ngày càng chủ động và trách nhiệm của Việt Nam trong công tác bảo vệ di sản thiên nhiên có giá trị toàn cầu.