Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,96% so với tháng trước - là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 trong chín năm trở lại đây.
Tuy nhiên, tính bình quân 11 tháng đầu năm, chỉ số này tăng 2,57% so với cùng kỳ 2018, là mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất ba năm qua - theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay, 29.11.
Nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong tháng này được lý giải do tác động của nguồn cung thịt lợn khan hiếm, đẩy giá hàng hóa này tăng cao.
Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ tăng cao nhất, ở mức 2,74% so với tháng trước, trong khi lương thực tăng 0,26% thì thực phẩm tăng đến 4,11%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,13%, chủ yếu do giá gas trong nước điều chỉnh tăng vào đầu tháng 11, đẩy chỉ số giá gas tăng 0,99%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số giá giao thông và bưu chính giảm. Nhóm ngành giao thông giảm nhờ các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào cuối tháng 10 và giữa tháng 11, hạ chỉ số giá xăng dầu giảm đi 1,7% và tác động đến CPI chung giảm 0,07%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của tháng 11 trong sáu năm trở lại đây, đưa tổng mức của 11 tháng tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 11 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,18% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này đưa lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng đầu năm tăng 1,94% so với bình quân cùng kỳ 2018.
Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24.11 giảm 1,65% so với tháng 10 thì chỉ số giá vàng trong nước giảm mức 0,63% so với tháng trước và tăng 11,65% so với tháng 12.2018.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đầu năm xấp xỉ 474 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hơn 241 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước và đưa mức xuất siêu lên 9,1 tỉ USD.
Trong 11 tháng có 30 mặt hàng vượt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm đến 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, cả 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu 48,7 tỉ USD - chiếm 20,2% tổng kim ngạch và tăng 5,4% so với cùng kỳ ; điện tử - máy tính và linh kiện xuất 32,4 tỉ USD, tăng 19,4%; hàng dệt may đạt 29,9 tỉ USD, tăng 7,8%; máy móc thiết bị - dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỉ USD, tăng 9,8%.
Tuy nhiên tín hiệu xuất khẩu không khả quan ở hầu hết các mặt hàng nông sản, đa số tăng về sản lượng nhưng giảm về trị giá. Cà phê tiếp tục là mặt hàng thiệt hại cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, tương ứng giảm 14,5% và 22,2% so với cùng kỳ; hạt tiêu tăng 21% sản lượng nhưng giá trị giảm 6,5%; hạt điều tăng 21,5% về lượng nhưng giá trị giảm 3,4%.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 55,6 tỉ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước; xuất sang EU đạt 38 tỉ USD, giảm 2,3% và Trung Quốc đạt 37,4 tỉ USD, giảm 0,6%.
Tính chung 11 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tăng 7,4% so với cùng kỳ 2018, đạt hơn 232 tỉ USD. Có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD và chiếm 90% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm giá trị chủ chốt với mức nhập hơn 212 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 91,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với gần 69 tỉ USD - tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước Trong 11 tháng cũng nhập khẩu từ Hàn Quốc 43,6 tỉ USD; từ thị trường ASEAN đạt 29,6 tỉ USD; từ Nhật Bản 18,1 tỉ USD; từ EU đạt 13,4 tỉ USD và nhập từ Hoa Kỳ 13 tỉ USD, tăng 11,3%.
Linh Chi
* Nguồn: Forbes Việt Nam