Công điện của Thủ tướng tập trung ứng phó với bão số 13
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1597/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó với bão số 13 năm 2020. Công điện nêu rõ, bão số 13 đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta. Đây là cơn bão mạnh, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15. Dự báo từ đêm 14 và ngày 15 tháng 11 năm 2020, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển ven bờ và đất liền khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Để chủ động ứng phó với bão, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”. Các địa phương từ Thanh Hóa đến Phú Yên (khu vực dự kiến ảnh hưởng trực tiếp của bão) tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú bảo đảm an toàn (trong đó cần lưu ý cả các tàu du lịch, tàu vận tải, tàu vãng lai). Tổ chức neo đậu tàu thuyền an toàn; chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại tại nơi tránh trú. Tùy theo diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương, các địa phương quyết định việc cấm biển.
Quy định mới về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết
Chính phủ ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
Nghị định quy định cụ thể về xác định chi phí để tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Trong đó nêu rõ tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết: Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.
Chế độ, chính sách đối với phạm nhân
Chính phủ ban hành Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự; trong đó quy định cụ thể chế độ ăn, mặc, tư trang, chăm sóc y tế đối với phạm nhân; chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi và chế độ đối với trẻ em ở cùng mẹ trong trại giam.
Thủ tướng phê duyệt Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1777/QĐ-TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo đó, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quôc tế (ICAO), là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự án được thực hiện từ năm 2020 - 2025 với tổng mức đầu tư là 109.111,742 tỷ đồng, tương đương 4.664,89 triệu USD.
Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu gạo vào EU
Báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng ngày 4/11/2020 có bài viết "Xuất khẩu gạo vào EU chỉ bằng 1/6 so với Thái Lan", trong đó phản ánh: So với các nước ASEAN, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 của Thái Lan, 1/10 của Myanmar, 1/4 của Campuchia. Tổng nhu cầu gạo hàng năm của EU là 2,3 triệu tấn gạo, giá trị năm 2019 là 1,4 tỷ euro. Gạo là mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đánh giá, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu gạo vào EU tận dụng lợi thế, ưu đãi của EVFTA.
Thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, linh kiện phụ tùng ô tô
Báo điện tử Tiền phong ngày 4/11/2020 có đưa thông tin: Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, xe sản xuất tại Thái Lan, Indonesia chỉ có khoảng 10% linh kiện nhập khẩu, trong khi xe lắp ráp ở Việt Nam phải nhập trên 80% linh kiện. Chi phí nhập khẩu linh kiện đắt đỏ dẫn đến chi phí sản xuất, lắp ráp xe trong nước cao hơn so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN khoảng 10-20%. Về thông tin nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu, đánh giá và có giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là linh kiện, phụ tùng ô tô.
Đưa 2 dự án đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất khai thác trước 31/12/2020
Văn phòng Chính phủ đã có thông báo 376/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện 02 dự án cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Hiện nay, Tân Sơn Nhất và Nội Bài là 2 Cảng hàng không lớn nhất của cả nước, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Để công trình hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, tuyệt đối an toàn trong khai thác và thi công, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan bảo đảm tiến độ, chất lượng, tuyệt đối an toàn, không để ảnh hưởng đến hoạt động hàng không trong quá trình thi công; bảo đảm tiến độ hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào khai thác cả 2 dự án trước ngày 31/12/2020 để phục vụ Tết Nguyên đán 2021.
PV