Cấp thiết thay thế Nghị quyết 54: Tập trung vào chính sách xây dựng nguồn lực hơn chính sách nguồn thu

17:46 19/05/2023

Đồng chí Phan Văn Mãi, PBT Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì họp báo cung cấp thông tin về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những vấn đề tồn động và phát triển TPHCM

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp báo
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp báo.

Theo UBND TPHCM, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, thành phố tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước, số thu ngân sách của thành phố chiếm 27% tổng thu ngân sách cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân thành phố từng bước được cải thiện và nâng cao...

Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54 còn chậm so với kế hoạch, bởi nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Mở đầu họp báo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 là rất cấp thiết đối với thành phố. Bởi một số quy định hiện nay chưa bao quát hết các vấn đề của thành phố, đòi hỏi có khung pháp lý phù hợp tháo gỡ vướng mắc và tạo ra không gian, động lực mới để TPHCM phát triển. “Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ khắc phục những khó khăn hiện tại, tạo động lực lớn hơn, mạnh hơn để TPHCM phát triển, thúc đẩy vai trò đầu tàu của thành phố”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Nghị quyết mới là sự thể chế hóa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, giúp TPHCM tháo gỡ những vướng mắc, huy động nguồn lực xã hội đầu tư, thông qua cơ chế phân cấp, ủy quyền để thành phố chủ động hơn.

Nội dung dự thảo nghị quyết mới sẽ tập trung tập trung vào chính sách thu hút nguồn lực xã hội thay vì các chính sách tăng nguồn thu như Nghị quyết 54. Trong đó, TPHCM đề xuất thí điểm các cơ chế như TOD (sử dụng ngân sách TPHCM triển khai dự án đầu tư công độc lập bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga metro 1, metro 2 và các nút giao Vành đai 3… - PV), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao), ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, áp dụng khoa học đổi mới sáng tạo. “Nếu thực hiện tốt các chính sách này, TPHCM sẽ có nguồn thu hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Các cơ chế chính sách thu hút nguồn lực xã hội chưa đạt được quy mô như kỳ vọng, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn. "Nghị quyết mới có những cơ chế mới về kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP trong đầu tư các dự án về văn hóa - thể thao; BOT trên đường giao thông hiện hữu… sẽ giải quyết những vướng mắc hiện tại, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Các cơ chế, chính sách mới cũng giải quyết hài hòa giữa nhu cầu của người dân và doanh nghiệp", Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ là điều quan trọng cần ưu tiên. Theo Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Thị Kim Huệ, thành phố mong muốn các chính sách mới tập trung vào nguồn lực thuộc các lĩnh vực đúng với vấn đề đang gặp phải. Vì vậy Nghị quyết 54 có chính sách đặc thù thu hút nhà khoa học, nhân tài trong lĩnh vực cần thiết.

Thành phố cũng đang nỗ lực xây dựng hạ tầng phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, xây dựng viện công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo để giải quyết các bài toán lớn của thành phố. Cùng với đó là việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo để quy tụ các nguồn lực xã hội tham gia phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu tập trung xây dựng năng lực thực thi cho đội ngũ cán bộ. Ngoài củng cố, xây dựng đội ngũ đủ sức thực hiện nghị quyết, lãnh đạo thành phố cũng chuẩn bị tâm thế triển khai nghị quyết ngay khi được thông qua. Trong đó, thành phố đã phân công các cơ quan chuẩn bị cụ thể hóa nội dung, những chính sách cần trình HĐND TPHCM trong các kỳ họp tới.

Nhìn nhận hiện nay có một bộ phận cán bộ còn ngại trách nhiệm, thiếu năng động trong thực thi công vụ, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố đã áp dụng các biện pháp chính trị, tư tưởng, động viên, cũng như các biện pháp hành chính về chế độ chính sách, phê bình, nhắc nhở, thay đổi… Đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người dân thành phố đều có lòng tự trọng, trước những thách thức, nhiệm vụ lớn sẽ có sự nỗ lực, phấn đấu để thực hiện, vượt qua khó khăn để đưa thành phố phát triển. “Một bộ phận cán bộ còn lại e dè, lo sợ thì thành phố tiếp tục động viên, có những biện pháp để bộ phận này hoặc chuyển biến hoặc bước ra khỏi hệ thống để người khác tiếp tục”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

"Thành phố một mặt chủ động đề xuất thí điểm các cơ chế chính sách mới, mặt khác xin nhận đề xuất từ các cơ quan trung ương và được sự gợi ý từ nhiều bộ, ngành trong thực hiện các cơ chế, chính sách mới. Những cơ chế chính sách lần này sẽ tạo sự phát triển đột phá cho TPHCM, giúp thành phố giữ vững vai trò đầu tàu, là cực tăng trưởng, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước. Các cơ chế chính sách thí điểm mới thực hiện thành công là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ tổng kết, để có bước thể chế hóa, thực hiện chung cho cả nước. Đó cũng là đóng góp cho cả nước" - Đồng chí Phan Văn Mãi

Trần Ngọc Thảo