Cần thiết chế đủ mạnh để xử lý vấn đề sở hữu chéo tổ chức tín dụng

23:21 11/06/2023

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận nhằm hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Trịnh Xuân An, cho rằng, về xử lý sở hữu chéo liên quan đến các tổ chức tín dụng không phải là hạn chế, mà cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo.

 

Ảnh minh họa
Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) bày tỏ: “Đây là việc rất được quan tâm đối với hệ thống tín dụng của ta hiện nay. Việc sở hữu chéo, ai cũng nhận ra được, ai cũng biết nhưng để “chỉ mặt, đặt tên” ra thì rất khó. Bởi nó có sự lòng vòng, lắt léo trong hệ thống tín dụng của chúng ta. Đây là vấn đề khó”, đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ.

Theo đại biểuTrịnh Xuân An, những quy định hiện hành trong điều 55, điều 127 trong dự thảo luật chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo, khi các giải pháp trong dự thảo luật còn mang tính thụ động, chưa hiệu quả.

“Việc chấm dứt sở hữu chéo quan trọng vì liên quan đến công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm. Tôi cho rằng, cần xem xét, thiết kế lại mô hình cơ quan giám sát, kiểm tra tài chính liên quan đến ngân hàng. Để những sự việc xảy ra như SCB và nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến cơ quan thanh tra, kiểm tra của ngân hàng. Theo tôi cần phải có một chương về lĩnh vực này”, đại biểu đề xuất.

“Đồng thời cần có cơ quan thanh tra, kiểm tra hoạt động tín dụng của ngân hàng mang tính độc lập. Khi làm tốt khâu thanh tra, kiểm tra, xử lý công khai minh bạch trong tất cả các giao dịch, chúng ta sẽ không cần giảm room cấp vốn, thậm chí có thể nâng cao hơn nhưng chúng ta quản lý được, tổ chức và cá nhân sẽ không dám và không thể thực hiện các hành vi sử dụng tài sản ngân hàng chéo với công ty của mình. Tôi cho rằng, phải có thiết chế mạnh như thế mới mới xử lý nghiêm được”, đại biểu Trịnh Xuân An khẳng định. 

P.V