Cần hỗ trợ gì để các doanh nghiệp góp phần vào mục tiêu 47.500 căn nhà ở xã hội trong năm 2024?

16:54 20/02/2024

Theo Bộ Xây dựng, năm 2024 sẽ có 108 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, đạt quy mô hơn 47.500 căn. Theo đó, để đạt được mục tiêu này, sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng cho doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội đóng vai trò quan trọng.

Ảnh minh họa

Yếu tố giúp hoàn thành mục tiêu 47.500 căn hộ thu nhập thấp

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có Công văn 637/BXD-QLN về việc mời tham dự Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” năm 2024.

Công văn của Bộ Xây dựng nêu rõ, ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 338 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Theo Bộ Xây dựng, số lượng dự án nhà xã hội đăng ký hoàn thành năm 2024 của các địa phương đăng ký hoàn thành tổng 108 dự án, đạt quy mô hơn 47.500 căn trong năm nay. Trong đó, 3 địa phương dẫn đầu cả nước về mục tiêu hoàn thành nhà ở xã hội là Bắc Ninh, Bình Dương và Hải Phòng. Đứng đầu, Bắc Ninh đăng ký hoàn thành nhiều nhà ở xã hội nhất với 5 dự án, quy mô 6.000 căn. Đứng thứ hai là Bình Dương với 20 dự án, quy mô 4.500 căn. Thành phố Hải Phòng xếp thứ ba với gần 4.000 căn từ 8 dự án.

Bên cạnh đó, Hà Nội đăng ký 3 dự án với gần 1.200 căn, còn TP. HCM là 6 dự án, quy mô gần 3.800 căn. Chỉ tiêu của 2 địa phương này trong giai đoạn 2021-2025, theo đề án xây 1 triệu căn nhà ở xã hội của Thủ tướng, lần lượt hơn 18.700 căn và hơn 26.000 căn.

Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, theo báo cáo của các địa phương và các chủ đầu tư, hiện nay đã có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 27.966 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm cuối năm 2023 mới có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng gần 180 tỷ đồng.

Có thể thấy, một trong những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng nhà ở xã hội là đầu tư tài chính. Các doanh nghiệp có thể đóng góp bằng cách cung cấp vốn đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tạo ra các quỹ đầu tư xã hội hoặc bằng cách hợp tác với các tổ chức tài chính và ngân hàng để cung cấp các gói vay ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội.

Nhiều doanh nghiệp có thể góp phần vào mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội bằng cách chuyển giao công nghệ và kỹ thuật xây dựng hiện đại. Việc áp dụng các phương pháp xây dựng tiên tiến và hiệu quả cao sẽ giúp giảm chi phí và thời gian xây dựng nhà ở xã hội, từ đó tạo ra nhiều căn nhà hơn trong cùng một thời gian.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể hỗ trợ bằng cách thiết lập các đối tác công tư trong việc xây dựng nhà ở xã hội. Điều này sẽ tạo ra sự kết hợp giữa tư nhân và công đoàn, từ đó tăng cường khả năng triển khai và quản lý dự án. Các doanh nghiệp có thể đóng vai trò tư vấn, cung cấp nguồn lực và kỹ thuật, đồng thời chia sẻ trách nhiệm về quản lý và bảo trì các khu nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần hỗ trợ các cơ quan địa phương trong việc phê duyệt quy hoạch và giấy phép xây dựng cho các dự án nhà ở xã hội. Điều này có thể đảm bảo tiến độ dự án được duy trì và giảm bớt thủ tục hành chính, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án một cách nhanh chó và hiệu quả.

Theo bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư (Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam), cho dù thị trường bất động sản còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng việc thúc đẩy phát triển xây dựng nhà ở xã hội chính là “nền móng” cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam.

“Phân khúc bất động sản nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bình dân sẽ phát huy tốt vai trò trụ cột, dẫn dắt toàn bộ thị trường từ giữa năm 2024, vậy nên cấn phải có nhiều chính sách cụ thể để giúp các doanh nghiệp dự án hoàn thành các thủ tục xây dựng ”, bà Miền nhận định.

Ảnh minh họa
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia  (Ảnh: Internet)

Trao đổi nhanh với Doanhnghiephoinhap.vn, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cho rằng, nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ sẽ là một trong những điểm sáng của năm 2024. Tuy nhiên, để phân khúc này đi vào thực tiễn đời sống thì cần phải thay đổi chính sách và tùy thuộc vào sự quyết tâm chính trị của các địa phương trên cả nước.

Ông Nghĩa nhìn nhận, lĩnh vực bất động sản được xem sẽ khởi sắc hơn khi các chính sách mới được áp dụng như luật nhà ở, Luật Đất đai, phân khúc bất động sản nhà ở giá rẻ là trụ đỡ cho cả thị trường trong thời gian tới đây.

Cần gỡ vướng cơ chế chính sách cho doanh nghiệp dự án

Liên quan đến mục tiêu phát triển nhà ở xã hội hiện nay, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 phân tích, một dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp này tại phía Tây Hà Nội nhiều năm nay không thể triển khai do gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư: “Dự án của chúng tôi thuộc diện đất đấu giá thì có phải làm chủ trương đầu tư hay không phải làm chủ trương đầu tư, có vấn đề đó thôi mà từ 2020 đến giờ chưa xong”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ông này cho hay, hiện tại các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM làm thủ tục đầu tư quá chậm dẫn tới thiệt hại cho nhà đầu tư và người dân chưa có nhà ở, nên mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Quê thông tin, Hà Nội hiện có hơn 200 dự án nhà ở xã hội đã triển khai làm thủ tục nhiều năm qua, nhưng đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục. Nếu như không có các chính sách cụ thể giải quyết nhanh thủ tục hành chính, thì các dự án này vẫn sẽ còn “đóng băng”, rất khó để triển khai sớm.

Trong khi đó, ông Bùi Quang Cường, Giám đốc điều hành Công ty Bất động sản Bầu trời Việt Nam chia sẻ, lý do lớn nhất khiến các doanh nghiệp không mặn mà với nhà ở xã hội nằm ở yếu tố lợi nhuận: “Nhà ở xã hội bị khống chế bởi mức giá, chi phí bán hàng cho doanh nghiệp đương nhiên bị giới hạn % lợi nhuận. Các cơ quan ban ngành kiểm soát về giá khác hẳn nhà ở thương mại, bị kiểm soát về giá và giới hạn về giá đồng thời pháp lý về giá rất phức tạp thành ra là có các ưu đãi, những ưu đãi đấy chưa đi sâu được để doanh nghiệp triển khai thực tế ra thị trường”.

Thế nhưng, theo ông Cường, vấn đề lớn nhất hiện nằm ở là cơ chế - chính sách, quy trình - thủ tục. Quy định phức tạp, thiếu hướng dẫn chi tiết, trong khi thủ tục rườm rà, tốn rất nhiều thời gian đã làm nản lòng các doanh nghiệp quan tâm tới đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Vậy nên, trước mắt cần tháo gỡ các vấn đề nêu trên để các dự án này được triển khai nhanh.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam thông tin, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt được nhu cầu thị trường đối với phân khúc nhà ở xã hội nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì gặp rất nhiều vướng mắc: “Vướng từ việc lập quy hoạch, vướng ở quỹ đất, vướng ở các thủ tục, quy trình thực hiện cho đến vướng ở quy trình chủ đầu tư rồi vướng ở đầu ra, lựa chọn đối tượng”.

Ông cho rằng, các điều kiện thì vướng còn lợi nhuận thì khống chế, giá bán có định mức nên họ tính toán lại và thấy không hấp dẫn dẫn tới việc vì sao không có nhiều dự án nhà ở xã hội và các doanh nghiệp không hấp thụ được nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước”.

Theo ông này, cần phải có cơ chế rõ hơn để các doanh nghiệp tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội giúp giải quyết bài toán về nhà ở cho đối tượng người có thu nhập thấp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đánh giá, lãi suất cho vay nhà ở xã hội vẫn còn cao. Nhà thương mại vận hành theo cơ chế thị trường, cầu thỏa mãn thì cung sẽ giảm. Nhà ở xã hội là an sinh xã hội nên gói 120.000 tỷ giúp những người làm công ăn lương không tiếp cận được nhà ở thương mại có thể mua được nhà.

Ông này đề xuất, lãi suất nên được đưa xuống mức 5-6% sẽ phù hợp hơn. Đặc biệt là vốn này phải được cho vay trong thời gian dài đối với cả nhà đầu tư và người mua để họ có thể trả lãi. Thời gian 5 năm, giá vốn cao là một thách thức đối với người mua nhà ở xã hội

Như vậy, để đạt được mục tiêu xây dựng 47.500 căn nhà ở xã hội trong năm 2024, sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp là cần thiết. Việc đầu tư tài chính, chuyển giao công nghệ, thiết lập đối tác công tư, hỗ trợ địa phương, đào tạo và tuyển dụng, hay việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội. Chúng ta cần tạo ra một môi trường hỗ trợ và khuyến khích sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp để đạt được mục tiêu này và mang lại lợi ích cho cả xã hội.

Nghệ Nhân