Cán cân thương mại sẽ duy trì trạng thái tích cực

00:00 12/10/2020

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng đầu năm 2020 ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD, mức khá cao nếu so với cùng kỳ năm ngoái là 1,8 tỷ USD.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp trên thế giới mà hoạt động thương mại hàng hoá của Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng và thặng dư thương mại tăng đột biến, có thể nói là điều đáng mừng. Tuy nhiên đằng sau đó cũng có những vấn đề cần cảnh báo sớm.

Điểm sáng khu vực trong nước

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 ước tính đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Song sự sụt giảm này là do chiều nhập khẩu hàng hoá. Bởi số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; trong khi nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%. Khu vực kinh tế trong nước là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 7 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tăng cao 13,5%, nhập khẩu tăng 1,5%.

can can thuong mai se duy tri trang thai tich cuc

Việt Nam cần tiếp tục lưu ý về khả năng trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của các nước

Trong 7 tháng có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên trong số các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ có 2 nhóm là đạt kim ngạch tăng trưởng cao, gồm điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23,1 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,4 tỷ USD, tăng 27,1%. Các nhóm hàng còn lại đều sụt giảm hoặc tăng nhẹ.

Kim ngạch xuất khẩu của đa số các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử như rau quả giảm 12,3%; cà phê giảm 0,5%; hạt điều giảm 4%; cao su giảm 20,3%; hạt tiêu giảm 20,6%. Duy nhất sản phẩm gạo đạt 1,9 tỷ USD, tăng 10,9% (lượng giảm 1,4%). Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nền nông nghiệp của các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, mưa đá, hạn hán, nạn châu chấu hoành hành… làm suy giảm nguồn cung trên thị trường nông sản thế giới. Đây là cơ hội để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng khắp các thị trường nhập khẩu lớn. “Chính phủ cần có các biện pháp đúng đắn, tận dụng triệt để cơ hội này”, VEPR khuyến nghị.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, mức tăng trưởng dương vẫn tập trung vào 2 thị trường lớn và trọng điểm nhất. Đó là Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 23,5 tỷ USD, tăng 18,4%. Trong khi đó, các thị trường lớn khác đều chưa thể phục hồi, như EU giảm 5,9%; ASEAN giảm 15,4%; Nhật Bản giảm 5%; Hàn Quốc giảm 0,4%. So sánh với các quý trước, có thể thấy Việt Nam chưa có tiến triển nhiều trong việc đa dạng hoá thị trường thương mại.

Sẽ duy trì thặng dư đến cuối năm

Một điều đáng chú ý là xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang Trung Quốc tăng đột biến. Số liệu do Tổng cục Hải quan công bố hồi giữa tháng 7 cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu điện thoại của Việt Nam sang 2 thị trường lớn nhất là EU và Mỹ đều sụt giảm ở mức lần lượt là 22,3% và 5,2%. Trong khi đó, xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc lại tăng tới 141,6% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay tỷ trọng xuất khẩu điện thoại sang Trung Quốc cũng chiếm tới 17%, không thấp hơn nhiều so với hai thị trường đứng đầu là EU (22,1%) và Mỹ (18%). Một số thị trường nhỏ hơn cũng sụt giảm ở mức khá mạnh, như Algeria giảm 99,7%; Kuwait giảm 88,2%; Thổ Nhĩ Kỳ giảm 68,73%. Nguyên nhân được cho là do Samsung đã đóng cửa toàn bộ các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc trong các năm 2018-2019. Do vậy, tập đoàn này sẽ xuất khẩu điện thoại từ Việt Nam sang Trung Quốc để tiêu thụ.

Có thể nói, sự tăng cao bất thường của kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện đã góp phần tạo nên thặng dư thương mại trong 7 tháng đầu năm nay. Bên cạnh đó, theo chia sẻ của một chuyên gia thuộc Bộ Công thương, hiện nay tăng trưởng nhập khẩu đang giảm tốc nhanh hơn xuất khẩu. Thậm chí tính chung trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đã giảm gần 3% trong khi xuất khẩu vẫn tăng nhẹ. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động giảm khối lượng nguyên liệu xuống mức thấp hơn so với con số thông thường, do các đơn hàng mới có xu hướng sụt giảm. Sự giảm tốc nhanh hơn của nhập khẩu cũng lý giải vì sao chênh lệch giữa cán cân xuất khẩu và nhập khẩu trong 7 tháng lại lớn và gây ra thặng dư thương mại cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái như vậy.

Với những diễn biến như trên, có thể nói tình hình thương mại hàng hoá trong các tháng cuối năm 2020 sẽ là một ẩn số lớn. Bởi lẽ giá trị xuất khẩu trong các tháng gần đây là kết quả của những đơn hàng đã được ký kết từ đầu năm 2020, thậm chí là được ký trong năm 2019. Trong khi theo phản ánh của các hiệp hội, ngành hàng, với tình hình đơn hàng sụt giảm trong tương lai, đồng thời chỉ số sản xuất công nghiệp cũng sụt giảm mạnh, thì nguồn cung hàng hoá xuất khẩu trong các tháng cuối năm và sang cả năm 2021 chắc chắn sẽ còn tiếp tục giảm.

Trước mắt, theo các chuyên gia, gần như chắc chắn Việt Nam vẫn giữ được mức thặng dư tương đối cao trong cả năm 2020. Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, cán cân thương mại dự kiến tiếp tục duy trì trạng thái tích cực từ nay đến cuối năm, dự báo xuất siêu khoảng 8-10 tỷ USD. Đây là yếu tố rất quan trọng để giúp cho cán cân tổng thể của Việt Nam duy trì được thặng dư, góp phần đảm bảo thực hiện tốt các cân đối vĩ mô quan trọng.

Lan Hương