Các ngành sản xuất châu Âu bị đe dọa bởi ảnh hưởng của hạn hán kéo dài

23:37 12/03/2023

Hạn hán ảnh hưởng nặng nề tới nhiều quốc gia ở châu Âu như Ireland, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước ở Tây Âu. Chính phủ của các quốc gia này đã hành động để đối phó với tình hình trước mùa hè năm nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Dữ liệu từ vệ tinh cho biết, hạn hán ảnh hưởng nặng nề tới nhiều quốc gia ở châu Âu như Ireland, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước ở Tây Âu. Chính phủ của các quốc gia này đã gấp rút triển khai các biện pháp khẩn cấp để đối phó với tình hình trước mùa hè năm nay, theo đài RFI.

Ngoài ra, hạn hán còn ảnh hưởng đến giao thông, các tuyến đường thủy, an ninh lương thực và sản xuất năng lượng. Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu trước đó cảnh báo, đây sẽ là đợt hạn hán tồi tệ nhất ở châu Âu trong 500 năm qua, với khả năng ảnh hưởng đến gần một nửa lục địa.

Việc mưa ít cùng nhiệt độ cao kỷ lục là trở ngại kép buộc nông dân phải tìm nước từ độ sâu lớn hơn. Theo ước tính, hai trở ngại trên đã góp phần vào việc mất khoảng 84 tỷ tấn nước mỗi năm kể từ đầu thế kỷ 21. Trong khi đó, các chuyên gia tại Đài quan sát Hạn hán châu Âu lo ngại, mực nước khó có thể phục hồi kịp trước mùa hè năm nay.

Cụ thể, hạn hán còn khiến dãy Alps có lượng tuyết rơi chưa bằng một nửa so với thường lệ, kênh rạch ở thành phố Venice (Italia) khô cạn, giao thông sà lan ở sông Rhine bị ảnh hưởng nghiêm trọng và làm tình hình nông nghiệp ở Ireland gặp vô số khó khăn.

Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo về “sự cạn kiệt nguồn nước” và chỉ thị cho chính quyền khu vực thực hiện các biện pháp phòng ngừa khẩn cấp. Trong khi đó, Italia có động thái chưa từng có là bổ nhiệm một ủy viên có quyền hành pháp để thực hiện kế hoạch chống hạn hán.

Nghiên cứu của Đại học Công nghệ Graz ở Áo vào tháng 1.2023 nhận thấy, nước ngầm đã ở mức thấp do hạn hán nghiêm trọng ở châu Âu từ năm 2018.

Sau khi Pháp ghi nhận kỷ lục 32 ngày không có mưa vào tháng 2.2023, Bộ trưởng Môi trường Christophe Béchu cảnh báo, nước này đang ở trong “tình trạng báo động” trong bối cảnh hạn hán có thể tiếp diễn trong nhiều tháng tới.

Hạn hán kéo dài báo hiệu tin xấu cho ngành sản xuất năng lượng của châu Âu. Khan hiếm nước ảnh hưởng đến sản lượng của các nhà máy điện hạt nhân tại Pháp. Những nhà máy này vốn đã gặp phải vấn đề về bảo trì và thường được xây dựng gần các con sông vì mạch làm lạnh của nhà máy cần một lượng lớn nước. Chuyên gia chính sách năng lượng Jean-Marc Jancovici nói với Đài phát thanh RTL của Pháp rằng, việc ít mưa và ít tuyết rơi cũng khiến nguồn cung cấp thủy điện giảm sút.

Trong khi đó, một nghiên cứu ở Đức vào tuần này cho thấy, thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu có nguy cơ khiến Đức thiệt hại tới 900 tỉ Euro từ nay đến năm 2050.

Ngọc Phi (TH)