Các gói hỗ trợ doanh nghiệp cần có tiêu chí linh hoạt và quyết liệt hơn

16:44 08/11/2021

Để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh trong và sau dịch COVID-19, Chính phủ cùng các Bộ, ban ngành đã có nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như tín dụng, chính sách thuế; chính sách về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động... Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hoặc khó tiếp cận được các gói hỗ trợ này.

Doanh nghiệp “hụt hẫng”

Các doanh nghiệp cho rằng, các chính sách, chủ trương của Chính phủ là kịp thời, tích cực, quyết liệt. Và đến hiện tại, một số doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ trên. Tuy nhiên, các chính sách này cũng còn rất nhiều bất cập và số lượng doanh nghiệp được hưởng lợi, mức độ hưởng lợi còn rất hạn chế. Có những chính sách hỗ trợ ban hành với điều kiện tiếp cận rất cao, vô hình chung tạo ra rào cản mà không doanh nghiệp nào có thể tiếp cận được cho dù doanh nghiệp muốn.

Một doanh nghiệp ở Quảng Ninh (xin giấu tên) chia sẻ, công ty dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn không thể tiếp cận được với những gói hỗ trợ của Chính phủ đưa ra, bởi các chính sách, tiêu chuẩn để tiếp cận được gói hỗ trợ hơi cứng nhắc và thiếu linh hoạt, nên không phù hợp với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Các gói hỗ trợ đưa ra những tiêu chí chặt chẽ không khác gì các gói vay của các ngân hàng đưa ra, thậm chí hơn cả ngân hàng. Nếu đáp ứng được các tiêu chí của gói hỗ trợ thì bản thân doanh nghiệp đã đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng, vậy thì vay ngân hàng cho nhanh, chứ cần gì phải đợi gói hỗ trợ.

Chúng tôi hiện đang “hụt hẫng” vào việc thực hiện các chính sách. Mong muốn của Chính phủ là hỗ trợ cho lực lượng lao động. Nhưng hiện tại tỷ lệ doanh nghiệp, người lao động hưởng lợi là quá ít.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, mặc dù các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng với tỷ lệ giảm từ 0,1-0,3%/năm là quá ít nên cũng không hỗ trợ nhiều doanh nghiệp. Bởi vậy chúng tôi mong muốn doanh nghiệp được tiếp cận các gói hỗ trợ như vay vốn ưu đãi dễ dàng hơn, lãi suất giảm sâu hơn nữa để tạo điều kiện phục hồi- đại diện doanh nghiệp này cho hay.

Còn Đỗ Quốc Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Minh Khanh chia sẻ: Trước ảnh hưởng của Covid-19, doanh nghiệp cần phải tồn tại thì sau này mới có thể phục hồi được sản xuất. Chúng tôi cần phải sống, cần được hỗ trợ, nhưng hầu hết các chính sách hỗ trợ chỉ thấy nói trên tivi. Doanh nghiệp không phải không muốn tận dụng các chính sách mà doanh nghiệp rất khó khăn cận các chính sách hỗ trợ, nhiều chính sách hỗ trợ ban hành với nhiều yêu cầu, thủ tục; trong đó, có không ít điều kiện, yêu cầu còn máy móc, cản trở việc tiếp cận của doanh nghiệp. Thủ tục vay tương đối khó khăn nên chúng tôi rất khó tiếp cận, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

“Để khắc phục những khó khăn khi chưa nhận được hỗ trợ, theo ông Khánh, doanh nghiệp đã phải cắt giảm chi phí, chủ động tìm kiếm thị trường. Nhưng đây lại là vấn đề khó, bởi không ai có thể biết được bao giờ Covid-19 mới kết thúc?”- ông Khánh than thở.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thái Hùng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Hùng Luân cho biết: Qua tìm hiểu, doanh nghiệp biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch như: Gói hỗ trợ tín dụng; gói hỗ trợ cho DN miễn, giảm thuế, lệ phí, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất...  vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tôi liên hệ với nhân viên ngân hàng để hỏi cách vay gói hỗ trợ, nhưng được trả lời là doanh nghiệp tôi không vay được do doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, không có doanh thu. Bởi vậy tôi rất mong Nhà nước nới lỏng ra những phần siết chặt quá không thì thật sự khó khăn để tiếp cận...

Cần quyết liệt thực hiện gói hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết: Với Việt Nam, nhằm đối phó với những tác động của đại dịch COVID-19, trong năm 2020, Việt Nam đã sớm đưa ra 4 gói hỗ trợ, tổng giá trị công bố khoảng 1,1 triệu tỷ đồng; tuy nhiên tổng giá trị thực - tức là tổng chi phí mà Chính phủ và các tổ chức tín dụng cam kết bỏ ra ước tính khoảng 184,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,94% GDP năm 2020. 

TS. Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực.

Theo ông Cấn Văn Lực, việc triển khai gói hỗ trợ tài khóa và an sinh xã hội còn chậm, mới đạt khoảng 46% giá trị gói tài khóa và 63% gói an sinh xã hội, đã phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do: điều kiện đặt ra ban đầu chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa sát thực tiễn; quy trình, thủ tục còn phức tạp, xử lý lâu khiến nhiều doanh nghiệp e ngại; nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, làm ăn thua lỗ nên không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế.

Ngoài ra, khâu truyền thông, công khai minh bạch thông tin và mẫu biểu trên mạng chưa tốt, dẫn đến nhiều doanh nghiệp chưa biết cụ thể các chính sách hỗ trợ; việc phối kết hợp triển khai tại một số đơn vị, địa phương còn chậm.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các gói hỗ trợ tại các nước trên thế giới, thực trạng triển khai các gói hỗ trợ tại Việt Nam trong thời gian qua, Tiến sỹ Cấn Văn Lực khuyến nghị cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành.

Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ví dụ, cần tính toán để gia hạn Nghị định 52/2021; đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 68 và sửa đổi, tháo gỡ các vướng mắc; cần thiết phải có thời hạn thực hiện cụ thể (thí dụ, tối đa 3 tháng) để đẩy nhanh hỗ trợ quý giá này.

Các chính sách này cùng với các gói giảm phí, lệ phí khác nên được tính toán để gia hạn, ít nhất là đến khi Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng người lớn 70% (hết quý 2/2021). Đồng thời, nên xem xét điều chỉnh ngân sách hỗ trợ từ cấu phần này sang cấu phần khác thiết thực hơn.

Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40.000 tỷ đồng (0,62% GDP năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn.

Ngoài gói hỗ trợ 21.300 tỷ đồng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua; cần tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với cárc tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

TS.Cấn Văn Lực cho rằng, cần sớm xây dựng chiến lược, kịch bản phòng, chống dịch trong điều kiện mới và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh “bình thường mới,” cần có các động lực tăng trưởng mới, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát rủi ro (giá cả tăng, lạm phát tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động…) nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội và chính quyền số. Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Gia Minh