Cá nhân, hộ kinh doanh được miễn thuế 6 tháng cuối năm 2021

18:55 22/09/2021

Đây là một trong những đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của Covid-19.

Với các hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trong mọi ngành nghề, trên mọi địa bàn và áp dụng các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế TNCN, thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý 3, 4-2021, thay vì giảm 50% như đề xuất trước đó. 

  Cá nhân, hộ kinh doanh được miễn thuế 6 tháng cuối năm 2021.

Với các trường hợp đã nộp thuế phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các tháng của quý 3, 4-2021, cơ quan thuế sẽ xử lý bù trừ số tiền đã nộp thừa với các khoản nợ hoặc khoản phát sinh trong các kỳ tiếp theo.

Nhưng chính sách này không áp dụng với các cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số.

Để xác định số thuế được miễn, Bộ Tài chính cho biết, các trường hợp cơ quan thuế phải ra thông báo, thì căn cứ số thuế phải nộp trong các tháng quý 3, 4-2021 trên thông báo để xác định số tiền thuế được miễn của hộ, cá nhân kinh doanh. Với trường hợp không phải ra thông báo, người nộp thuế gồm các tổ chức khấu trừ, khai thay, nộp thay, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn quyển/lẻ sẽ căn cứ số thuế phải nộp trên tờ khai thuế để xác định số thuế được miễn.

Với trường hợp khai khuế theo kỳ thanh toán hoặc khai theo năm, số thuế được miễn là tiền thuế phải nộp tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh của các tháng trong 3 và 4.

Với trường hợp không xác định được doanh thu thực tế phát sinh của các tháng trong quý 3, 4 trên hợp đồng, việc xác định số thuế được miễn sẽ dựa trên doanh thu bình quân mỗi tháng của năm 2021.

Bên cạnh đề xuất miễn thuế cho các hộ và cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính cũng  đề xuất giảm 30% thuế TNDN cho đơn vị có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng và bị giảm so với tổng doanh thu năm 2019 – trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Với doanh nghiệp mới thành lập, hoặc đối tượng nộp thuế chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021, cơ quan này sẽ không áp dụng tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019.

Để xác định tổng doanh thu năm 2021 của các doanh nghiệp này ở mức trên hay dưới 200 tỉ đồng, Bộ Tài chính cho biết sẽ áp dụng công thức: tổng doanh thu thực tế của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế năm 2021 chia (:) số tháng thực tế sản xuất kinh doanh, rồi nhân (x) 12 tháng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính dự kiến giảm 30% thuế GTGT từ ngày 1-10 đến hết năm 2021 cho một số hoạt động sản xuất và dịch vụ với mục tiêu cuối cùng là người tiêu dùng được hưởng và không giảm cho các lĩnh vực được hưởng lợi trong dịch Covid-19.

Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các ngành gồm vận tải (đường sắt, đường thuỷ, hàng không, vận tải đường bộ), dịch vụ lưu trú, ăn uống, hoạt động của đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch, hoạt động xuất bản điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc, hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí, thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; thể thao, vui chơi và giải trí sẽ được giảm thuế GTGT trong 3 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, hoạt động xuất bản phần mềm và các hàng hoá dịch vụ thực hiện trực tuyến không thuộc phạm vi hỗ trợ của chính sách này.

Cuối cùng, Bộ Tài chính đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 với doanh nghiệp, tổ chức – gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh – lỗ trong năm 2020. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.

H.T