Trưa 13/7, trả lời VnExpress, Thứ trưởng Sơn cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo bệnh nhân Covid-19 điều trị tại bệnh viện 10 ngày nếu không có triệu chứng có thể cho về nhà. Theo đó, Bộ Y tế dự kiến, F0 sau khi được bệnh viện điều trị 10-14 ngày mà không có triệu chứng sẽ cho về tiếp tục theo dõi, cách ly tại nhà. Phương án cách ly F0 sẽ tổ chức thí điểm tại TP HCM.
"Ban đầu sẽ áp dụng cho nhóm bệnh nhân như nhân viên y tế và những người có khả năng tự theo dõi sức khỏe", Thứ trưởng Sơn nói. Nhóm này phải đáp ứng các điều kiện về nơi cách ly tương tự các tiêu chí khi áp dụng F1 cách li tại nhà đã được thí điểm triển khai thời gian qua.
"Đặc biệt, F0 cách ly tại nhà phải có hệ thống y tế kết nối trực tiếp và phản ứng hết sức linh hoạt khi có những triệu chứng báo động y tế, phải được cấp cứu đưa ngay đến các cơ sở y tế theo đúng kế hoạch đã phân công", ông Sơn cho biết thêm.
Những ngày qua, mỗi ngày TP HCM đều ghi nhận hơn 1.000 bệnh nhân. Tính đến trưa 13/7, số ca mắc covid-19 trong đợt dịch thứ tư tại đây là 16.027.
Phương án cách ly F0 không triệu chứng tại nhà trước đó cũng được một số chuyên gia đề xuất.
Trên cơ sở đánh giá thí điểm tại TPHCM, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc.
Hôm 11/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến với TP HCM, cũng yêu cầu thành phố làm việc với Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh thời gian điều trị F0 tại các bệnh viện dã chiến phù hợp.
Hiện, tất cả bệnh nhân Covid-19 (F0) bắt buộc cách ly, điều trị tại cơ sở y tế. Tại TP HCM, các ca nhiễm không triệu chứng được điều trị tại bệnh viện dã chiến, được theo dõi y tế và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ.
Quy định hiện nay của Bộ Y tế, các ca F0 không triệu chứng cách ly tập trung tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày và lấy ít nhất hai mẫu bệnh phẩm cách nhau 48-72 giờ, xét nghiệm âm tính nCoV bằng phương pháp RT-PCR. Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng đến khi ra viện không quá 24 giờ. Sau khi ra viện, người bệnh được tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế cho biết, thời điểm mấu chốt để sàng lọc phân loại bệnh nhân nặng hay nhẹ là ngày điều trị thứ 7-8, cơ sở y tế cần theo dõi sát thời gian đầu. Những bệnh nhân sau hơn một tuần không có dấu hiệu dự báo tiến triển nặng trên lâm sàng và xét nghiệm, bác sĩ mới coi là bệnh nhân nhẹ và chuyển sang khu cách ly chờ hồi phục.
Đến nay, Bộ Y tế chỉ hướng dẫn cách ly F1 tại nhà, đang được triển khai thí điểm ở một số địa phương. Cuối tháng 6, Bộ Y tế hướng dẫn TP HCM cách ly F1 tại nhà 28 ngày, nếu đảm bảo đủ điều kiện, như có phòng riêng, khép kín, tách biệt khu sinh hoạt chung của gia đình.
Theo đó, UBND cấp xã tại TP HCM cho phép F1 cách ly tại nhà nếu họ có nhà ở riêng (biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập). Nhà có phòng cách ly riêng, khép kín, tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nhà nhiều tầng thì dùng riêng một tầng để cách ly F1. Các hộ gia đình đảm bảo có một phòng khác để nhân viên y tế đến khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe F1.
Phòng cách ly có nhà vệ sinh, nhà tắm riêng; đủ dụng cụ sinh hoạt cá nhân; có dụng cụ đo thân nhiệt; thùng đựng rác có nắp đậy và dán nhãn "chất thải có nguy cơ chứa Covid-19". Nhà có điều kiện được khuyến khích dùng điều hòa, máy giặt riêng; đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên mở cửa sổ. Ngoài ra, mỗi gia đình cần có bộ phòng hộ cá nhân như khẩu trang y tế, găng tay, giày, kính, quần áo bảo hộ để các thành viên dùng khi tiếp xúc với F1.
Các bệnh viện đang lâm vào cảnh thiếu trang thiết bị y tế và phòng hộ khi ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch".
Theo VNE