Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói gì về việc chậm giải ngân?

22:35 13/07/2022

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, tỷ lệ giải ngân đầu tư công thời gian qua chưa đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, để đánh giá là chậm hay không thì cần nhìn nhận một cách toàn diện và trong cả một giai đoạn.

Nửa đầu năm 2022 đã trôi qua nhưng đầu tư công mới giải ngân được hơn 27% kế hoạch. Trong báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 6 tháng năm 2022, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, tỷ lệ này chưa đạt kỳ vọng.

Về việc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, tỷ lệ giải ngân đầu tư công thời gian qua chưa đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, để đánh giá là chậm hay không thì cần nhìn nhận một cách toàn diện và trong cả một giai đoạn.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói gì về việc chậm giải ngân
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói gì về việc chậm giải ngân.

“Giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân mang tính hệ thống, tồn tại trong nhiều năm; lại có nguyên nhân do chủ quan, khách quan, do đặc thù của từng năm. Ví dụ như do giải phóng mặt bằng chậm; do năng lực của chủ đầu tư, của nhà thầu còn hạn chế; do công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, triệt để.

Chưa kể, năm 2022 lại có những nguyên nhân rất đặc thù, như dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiến độ thi công dự án; rồi đầu năm, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá…", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu lý do.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, năm 2022 tuy là năm thứ hai triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng thực tế lại là năm đầu tiên. Kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7/2021, nên thực tế đầu năm nay, chủ yếu là tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp. Trong khi đó, các dự án mới thì vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục, quá trình này thông thường mất khoảng 6-8 tháng, nên phải tới cuối năm mới có thể giải ngân được.

"Việc triển khai các dự án mới, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, đấy chính là một điểm yếu cốt lõi dẫn tới giải ngân vốn đầu tư công chậm. Ngoài chuyện chuẩn bị, lựa chọn dự án chưa tốt, vẫn còn tình trạng chọn dự án chưa thực sự cấp thiết, chưa có tầm nhìn trung và dài hạn, trong khi nguồn lực có hạn, thì còn có chuyện các bộ ngành, địa phương chưa chuẩn bị đầu tư từ sớm, từ xa, chưa quan tâm đến việc sử dụng kinh phí của kỳ kế hoạch này để chuẩn bị cho dự án của kỳ kế hoạch sau", ông Dũng nói.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, ông Dũng cho rằng, không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt, mà phải được giải quyết căn cơ, lâu dài, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn này phù hợp với yêu cầu phát triển.

Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị, nâng cao tính sẵn sàng và triển khai dự án.

PV