Làm rõ những nội dung được đại biểu Quốc hội đề cập về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo và đã ban hành 16 nghị quyết, 6 công điện, 2 chỉ thị, tổ chức 4 hội nghị trực tuyến và duy trì 5 tổ công tác liên tục của Chính phủ và các bộ trưởng để đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Các thành viên Chính phủ cũng trực tiếp làm việc với các địa phương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành 7 công điện, 6 văn bản đôn đốc hướng dẫn và trực tiếp làm việc với rất nhiều địa phương để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn. Nhờ đó, tỉ lệ giải ngân của các năm gần đây đã có tiến bộ, đạt nhiều kết quả rất tích cực.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đã nhận diện những tồn tại, hạn chế trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, giải phóng mặt bằng chậm, thời gian điều chỉnh dự án lâu, điều chỉnh nhiều lần; năng lực của ban quản lý dự án, năng lực nhà thầu, cũng như trách nhiệm và sự vào cuộc của người đứng đầu còn hạn chế.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng nêu lên một số nhiệm vụ, giải pháp lớn như: Cần tiếp rà soát lại quy định pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn, khâu nào có thể đẩy nhanh và rút ngắn sẽ kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác; đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan đến kiểm đếm, giải phóng mặt bằng; kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh; điều chuyển cán bộ có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, vì đây là bệ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm nay, doanh nghiệp, người dân rất trông chờ. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt những giải pháp phù hợp nhằm khắc phục các nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công và nhanh chóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, quan tâm đến các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền cho địa phương, tháo gỡ những khó khăn về giải phóng mặt bằng, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và kiên quyết xử lý hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
P.V