Thường trực Chính phủ vừa công bố kết luận về đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, đặt ra nhiều điểm mới nhấn mạnh sự hiện đại, đồng bộ và bền vững của dự án này.
Theo kết luận, việc mở rộng đoạn tuyến TP.HCM - Cần Thơ đang được nghiên cứu nhằm tăng cường phạm vi ứng dụng của dự án. Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các kịch bản đầu tư và lấy ý kiến chuyên gia rộng rãi để chọn ra phương án phù hợp nhất.
Một điểm quan trọng trong kết luận là việc rà soát kỹ hướng tuyến để đảm bảo tuyến đường sắt tốc độ cao này có hướng thẳng nhất và tạo ra không gian mới. Đồng thời, việc giảm số lượng ga để giảm chi phí cũng được đề cập.
Để triển khai dự án, Thường trực Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác gồm các cấp lãnh đạo và quy chế làm việc cụ thể. Tổ công tác này có nhiệm vụ tiến hành các cuộc họp hàng tháng để thúc đẩy công tác chuẩn bị và thực hiện dự án một cách kịp thời.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tính toán tác động của việc đầu tư dự án đến nợ công và ưu tiên phân bổ ngân sách Nhà nước hàng năm để phát triển trong lĩnh vực đường sắt. Bộ Ngoại giao cũng được giao nhiệm vụ làm việc với các đối tác quốc tế để kêu gọi đầu tư chuyển giao công nghệ xây dựng dự án.
Thường trực Chính phủ lưu ý, Bộ GTVT tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ kinh nghiệm trong ngành đường sắt về nhiều phương án để lựa chọn một phương án tối ưu trình Bộ Chính trị. Khẩn trương hoàn thiện đề án, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị trong tháng 3. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.
Các địa phương cũng được yêu cầu quản lý chặt chẽ quỹ đất đã thỏa thuận với Bộ GTVT để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai dự án. Ưu tiên bố trí quỹ đất quanh khu vực ga để phát triển các khu đô thị theo mô hình "TOD" (Transit-Oriented Development).
TOD (Transit-Oriented Development) được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm. Mô hình này nhằm mục đích giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường.
Các khu đô thị phát triển theo mô hình TOD thường được xây dựng xung quanh các ga tàu điện ngầm, xe buýt hoặc các phương tiện giao thông công cộng khác. . Nơi này có mật độ dân cư cao và nhiều tiện ích như nhà ở, văn phòng, thương mại, dịch vụ, giải trí,... Các khu đô thị được thiết kế để có thể đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng một cách dễ dàng.
P.V (t/h)