Bình Thuận: Phát triển kinh tế xã hội theo quy hoạch chiến lược

19:20 11/02/2024

Năm 2023, dù đối mặt với nhiều khó khăn chung và những vấn đề nội tại, Bình Thuận đã tận dụng được nhiều thuận lợi từ sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương và các cơ quan ban ngành.

Tỉnh đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm an ninh, phúc lợi xã hội.

Đẩy mạnh kinh tế biển, du lịch và ngành năng lương là mục tiêu của năm 2024 của Bình Thuận
Đẩy mạnh kinh tế biển, du lịch và ngành năng lương là mục tiêu của năm 2024 của Bình Thuận.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế Bình Thuận là việc tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào sử dụng, giúp rút ngắn thời gian và chi phí di chuyển từ Bình Thuận đi các địa phương khác, nhất là các tỉnh thành phố trong vùng động lực phía Nam. Đây cũng là cơ hội để Bình Thuận thu hút các dự án đầu tư chiến lược, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, năng lượng và bất động sản.

Năm 2023, Bình Thuận được chọn làm địa điểm tổ chức Năm du lịch quốc gia, tạo đà để thúc đẩy ngành du lịch đạt được kết quả cao. Doanh thu du lịch lần đầu tiên cán mốc hơn 22.300 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ và nằm trong nhóm các tỉnh có doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú đã làm hài lòng du khách trong nước và quốc tế. Bình Thuận cũng đã xây dựng được thương hiệu du lịch biển đẹp, an toàn và thân thiện.

Mũi Kê Gà, một địa danh du lịch và nhiều dự án BĐS tỷ đô đang phát triển ở  Bình Thuận
Mũi Kê Gà, một địa danh du lịch và nhiều dự án BĐS tỷ đô đang phát triển ở Bình Thuận.

Ngành công nghiệp cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn, đóng góp lớn vào ngân sách và tạo việc làm cho người lao động. Các ngành công nghiệp trọng điểm như điện tử, dệt may, máy móc, đồ gỗ, thủy sản… đều có sự tăng trưởng đồng đều. Bình Thuận cũng đang trở thành một trong những địa phương tiên phong trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, góp phần giải quyết vấn đề cung cấp điện cho khu vực Nam Bộ.

Ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, hình thành các vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bình Thuận cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực và nước.

Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, Bình Thuận luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực đầu tư và tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Tỉnh đã triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và hộ gia đình trong năm 2023, chẳng hạn như gia hạn thời gian giảm thuế, cắt giảm lãi suất và gia hạn thời gian trả nợ. Tỉnh cũng đã tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, bất cập trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là vấn đề chồng lấn quy hoạch khoáng sản Titan với các quy hoạch khác. Hơn 28.000 ha đất khu vực ven biển nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản đã được đưa ra khỏi quy hoạch, đây được xem là giải pháp cởi trói cho hàng loạt các dự án về năng lượng, du lịch, bất động sản ở những vùng đất tiềm năng rộng lớn ven biển.

Năm 2024, Bình Thuận đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2023, đạt 8,5 - 9%. Tỉnh cũng đề ra nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu này, trong đó tập trung vào việc xúc tiến thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường các hoạt động đổi mới khoa học công nghệ, cải thiện chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh, phúc lợi xã hội.

Quang Duy - Vân Nguyễn