Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, khu vực KTTT, HTX tỉnh Bình Dương đã có những chuyển biến mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, quy mô HTX ngày càng được nâng lên thể hiện qua số lượng thành viên và phạm vi hoạt động. Số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại và tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều. Một số HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh cũng như chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu.
Đến 31/12/2021, toàn tỉnh có 217 HTX với gần 35.900 thành viên (tăng 162 HTX và gần 17.000 so với thời điểm 31/12/2001). Các HTX hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, xây dựng, tiêu biểu như: HTX Công Minh, HTX Xây dựng cầu đường Thanh Long, HTX Dịch vụ vận tải Tín Thành, HTX Sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp Năm Hạng, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, HTX Cây ăn quả Tân Mỹ… Tổng doanh thu của các HTX đạt 1.216 tỷ đồng, tăng gấp 9,5 lần so với thời điểm 31/12/2001. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động đạt 10,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,5 triệu đồng so với năm 2001. Đóng góp của HTX vào tổng sản phẩm của tỉnh đạt khoảng 0,9%, tăng khoảng 85% so với năm 2001. Các HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, khu vực KTTT, HTX đã bước đầu có chuyển biến tích cực về chất và lượng, cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được dư địa, tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế quốc dân.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đó là, tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với diễn biến mới và thực tiễn Việt Nam. Tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đẩy mạnh hợp tác công - tư. Xây dựng mô hình quản trị KTTT, HTX tiên tiến, kết hợp với mô hình truyền thống phù hợp với tình hình Việt Nam, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Tạo cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu, sản phẩm. Tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi và theo thế mạnh từng khu vực, vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý theo điều kiện từng nơi, từng sản phẩm, quy mô, thị trường… Nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia KTTT, HTX.
Do đó, phát triển HTX trong nông nghiệp là rất quan trọng với tinh thần lấy nông dân làm trung tâm, nông thôn làm nền tảng, nông nghiệp làm động lực, tiếp tục thành lập và phát triển các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp để khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt, tự phát, hướng đi là theo con đường chính ngạch, vào thị trường "khó tính".
Hoàng Thu