Bình Dương tập trung vào công nghiệp “xanh” hút đầu tư “xanh”

15:19 25/08/2023

Bình Dương xác định phát triển công nghiệp bền vững là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển tỉnh nhà. Theo đó, Bình Dương tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường.

Định hướng bắt kịp xu thế

Theo chỉ đạo từ Nghị quyết 24/NQ-TW của Bộ Chính trị, vùng Đông Nam Bộ, trong đó có tỉnh Bình Dương cần tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp. Tập trung thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại và các khu công nghiệp công nghệ cao. Xây dựng mới một số khu công nghệ thông tin tập trung và hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, tập trung phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định mục tiêu “Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”.

Bình Dương xác định phát triển công nghiệp bền vững là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển tỉnh nhà.
Bình Dương xác định phát triển công nghiệp bền vững là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển tỉnh nhà.

Theo đó, Bình Dương xác định phát triển công nghiệp bền vững là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển tỉnh nhà. Hiện tỉnh đang định hướng chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN thông minh - sinh thái. Trong đó, tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN phải áp dụng giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch; dành tối thiểu 25% diện tích KCN cho cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ dùng chung; có giải pháp bảo đảm nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động…

Để xây dựng phát triển KCN thế hệ mới, tạo dư địa thiên nhiên cho phát triển, bảo đảm tăng trưởng xanh, Bình Dương đã thực hiện cải tạo, chỉnh trang các khu, cụm công nghiệp cũ, di dời các doanh nghiệp thâm dụng lao động tại khu vực TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TP.Tân Uyên lên phía Bắc của tỉnh. Đồng thời, tái phát triển các khu vực đất công nghiệp hiện hữu sang các chức năng dịch vụ đô thị, dịch vụ công cộng và phục vụ chuyển đổi xanh.

Song song xây dựng, Bình Dương tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao. Thực hiện nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang xu hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Trên tinh thần đó, Bình Dương luôn chú trọng công tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành công nghiệp, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững và đóng góp vào thúc đẩy phát triển các KCN đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương xác định thực hiện cải thiện kết cấu và hình thái không gian đô thị khu vực phía nam, dịch chuyển công năng các khu sản xuất công nghiệp lên vùng lõi mới phía Bắc, gắn với tái cơ cấu để trở thành các khu, cụm công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn và KCN khoa học - công nghệ, để lại không gian phía nam cho phát triển đô thị, dịch vụ và thương mại. Từ đó, Bình Dương sẽ tận dụng tốt lợi thế của hệ thống giao thông kết nối vùng, hình thành hệ thống vành đai công nghiệp mới gắn với phát triển hệ thống logistics hiện đại.

Thời gian qua, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã chủ động đẩy mạnh thực hiện cải cách cách thủ tục hành chính, thủ tục thành lập doanh nghiệp hay thủ tục cấp giấy phép cho chuyên gia nước ngoài; làm tốt vai trò cầu nối đưa tiếng nói của doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với lãnh đạo tỉnh, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư… tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đến đầu tư và phát triển tại Bình Dương.

Sức hút đầu tư từ công nghiệp “xanh”

Nắm bắt và thích ứng nhanh với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, đồng thời để thiết lập một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Bình Dương, các KCN thế hệ mới của tỉnh như VSIP III, KCN KHCN, KCN đô thị - dịch vụ… sẽ mang đến một hệ sinh thái toàn diện cho các hoạt động áp dụng công nghệ và tri thức. Các KCN này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển đổi các KCN hiện tại thành các KCN thông minh, từng bước giúp Bình Dương có một nền tảng vững chắc về khoa học, làm chủ và tạo ra các công cụ sản xuất mới dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật, đón đầu cơ hội mới trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Các KCN thế hệ mới của tỉnh như VSIP III, KCN KHCN, KCN đô thị - dịch vụ… sẽ mang đến một hệ sinh thái toàn diện cho các hoạt động áp dụng công nghệ và tri thức.
Các KCN thế hệ mới của tỉnh như VSIP III, KCN KHCN, KCN đô thị - dịch vụ… sẽ mang đến một hệ sinh thái toàn diện cho các hoạt động áp dụng công nghệ và tri thức.

Từ góc độ của nhà phát triển KCN, lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC cho biết, trong định hướng tiếp tục đổi mới mô hình phát triển, KCN thông minh - sinh thái được xem là một trong những hệ sinh thái kiểu mới quan trọng và tất yếu của thời đại nhằm bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện hữu. Ngoài việc cung cấp đầy đủ các hạ tầng dịch vụ, kỹ thuật và xã hội, Becamex IDC sẽ chuyển đổi dần những KCN hiện hữu để mở rộng về hiệu quả và tính bền vững thông qua cải tiến mô hình quản trị, vận hành để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư.

Theo quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, Bình Dương ưu tiên đầu tư 18 dự án khu công nghiệp, với diện tích đất trên 6.573 ha. Đến năm 2030, tổng diện tích đất công nghiệp dự kiến cần để thực hiện các dự án phát triển khu công nghiệp là 16.609,37 ha, tăng 1.619,37 ha. Tổng số khu công nghiệp đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh là 46 với tổng diện tích 24.338,70 ha.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các đại biểu tham quan mô hình Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các đại biểu tham quan mô hình Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III.

Thực tế, xây dựng khu công nghiệp sạch và hiện đại là một trong những phương án nhằm thu hút nguồn lao động chất lượng cao. Đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải, cùng việc xanh hoá cảnh quan khu công nghiệp sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống trong dự án. Đây cũng là yếu tố thuyết phục các chuyên gia nước ngoài đến và làm việc tại địa phương. Mô hình khu công nghiệp xanh đem lại lợi ích cho nhiều phía. Các dự án đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường đang được nhiều bên quan tâm và tìm kiếm, không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả ngoài nước. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh dành cho những đơn vị phát triển bất động sản có khả năng đáp ứng được các điều kiện “sạch” ngặt nghèo này.

Với những bước tiến trong thời gian qua, Bình Dương đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư, không chỉ trong nước mà còn cả từ nước ngoài. Mục tiêu của tỉnh là mở rộng hơn nữa đối ngoại, tạo dựng môi trường hợp tác đa phương và song phương mạnh mẽ. Đây chính là nền móng để Bình Dương đạt được sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững trong tương lai.

Hoàng Thu