Năm 2024, diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân trên địa bàn tỉnh Bình Dương ước đạt 5.736,5 ha. Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt đạt khoảng 6.617 ha, và nông nghiệp đô thị khoảng 274,4 ha. Các loại cây trồng có giá trị như rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh... là những cây trồng chính trong các khu vực này.
Bên cạnh đó, tỉnh có 580ha sản xuất trồng trọt áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ với các loại cây trồng như cam, mít, rau các loại. Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Bình Dương cũng đang phát triển với 148 trang trại gà, 255 trang trại lợn và 45 trang trại vịt.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Dương đang tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và thời vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 1.000ha. Tiếp tục phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật để thiết lập, quản lý và bảo đảm các điều kiện kỹ thuật cho các vùng trồng và cơ sở đóng gói tại địa phương được cấp mã số. Tính đến nay, tỉnh đã được cấp 30 mã vùng trồng cho 17 cơ sở và 16 mã cơ sở đóng gói cho 13 cơ sở.
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương thông tin, đến năm 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5-3%/năm. Trong đó, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30% cơ cấu ngành.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Công Thương phối hợp với các cấp, ngành xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; thiết lập, củng cố mối liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng nông sản, trái cây với các kênh phân phối… Qua đó, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Vân Nguyễn