Được biết, trong 10 năm tới, Việt Nam dự kiến quy hoạch tăng thêm 115.000ha đất dành cho khu công nghiệp, với khoảng 558 khu công nghiệp trên cả nước, gấp gần 1,5 lần so với số lượng hiện nay.
Thực tế, trong những năm qua, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã thu hút được 9.381 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đầu tư đạt 191,6 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 60%. Thu hút được 9.331 dự án đầu tư trong nước (DDI), với tổng vốn đầu tư đạt 2,061 triệu tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 42%.
Tổng doanh thu đạt khoảng 235 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 142 tỷ USD, đóng góp gần 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng khoảng 11% so với năm 2018; nộp ngân sách nhà nước gần 130.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018; tạo việc làm cho gần 3,85 triệu lao động trực tiếp.
Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập. Cụ thể, tỷ suất thu hút đầu tư trung bình của dự án đầu tư trong khu công nghiệp là 4,61 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê. Tỷ lệ này tuy có gia tăng qua các thời kỳ nhưng vẫn tương đối thấp.
Trong 10 năm tới quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp dự kiến tăng thêm 115.000ha, đạt 205.800ha. Diện tích đất khu công nghiệp tăng lấy từ đất trồng lúa 46.070ha, đất trồng cây hàng năm, lâu năm 64.360ha... với 558 khu công nghiệp, tăng thêm 177 khu công nghiệp so với năm 2020.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, năm 2021, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% so với năm 2020, đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD; xuất khẩu tăng 19%, đạt 336,25 tỷ USD. Vừa qua, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 350 tỷ USD. Như vậy, tuy ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng các nhà đầu tư quốc tế tin tưởng Việt Nam để mở rộng đầu tư, xem Việt Nam là điểm đến cho những dự định tương lai.
Tại “Tọa đàm kết nối đầu tư” do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức mới đây, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Watanabe Nobuhiro cũng cho rằng, một trong những yếu tố nổi bật để định vị Việt Nam với những quốc gia khác trong khu vực là tốc độ tăng trưởng kinh tế đều đặn qua các năm được củng cố bởi nền tảng chính trị ổn định.
Ông Phạm Văn Nam, chuyên gia nghiên cứu bất động sản công nghiệp đến từ Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam nhìn nhận, có thể xác định đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong thu hút FDI hiện nay là Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, nếu so sánh, Việt Nam có 3 lợi thế nổi bật.
Một là sự thống nhất sắc tộc và ổn định về chính trị. Đây là khác biệt quan trọng của Việt Nam so với nhiều nước ASEAN khác.
Hai là tốc độ hồi phục và tăng trưởng kinh tế tốt. Mặc dù năm 2021 chưa đạt tốc độ tăng trưởng cao như kỳ vọng, nhưng trong năm 2022, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 7,5% (theo Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN +3, gọi tắt là AMRO), cho thấy lòng tin của cộng đồng nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam là rất lớn.
Ba là chi phí sử dụng lao động cạnh tranh, song đây sẽ không phải là lợi thế lâu dài, khi Việt Nam đang dần đi tới cuối thời kỳ dân số vàng và thế hệ gen Z sẽ định hình lại thị trường lao động.
PV