Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ireland (ảnh: Minh họa).
Thông tư này nêu rõ cách triển khai cơ chế chứng nhận xuất xứ trong UKVFTA. Cụ thể, đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam: Với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ; với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, áp dụng cơ chế Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.
Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam: Với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ; với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của UK (Vương quốc Anh) mới được tự chứng nhận xuất xứ.
UKVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021 sau khi có hiệu lực tạm thời từ ngày 1/1/2021. Nhờ UKVFTA, xuất khẩu hàng hóa vào Anh ghi nhận tăng trưởng rõ rệt và được dự báo sẽ ngày càng tăng tốc mạnh mẽ nếu doanh nghiệp thực sự nỗ lực, vượt qua các rào cản phi thuế quan để chinh phục thị trường.
Hiệp định UKVFTA vẫn duy trì các lợi ích trong mối quan hệ thương mại hiện có của hai bên tại FTA Việt Nam - EU. Các doanh nghiệp có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu và xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ và bảo hộ các sản phẩm chủ chốt của Việt Nam và Vương quốc Anh.
Điều này bao gồm 65% số dòng thuế đã được xóa bỏ trong thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh. Con số nói trên sẽ tăng lên 99% sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan.
Đến thời điểm cuối lộ trình, Việt Nam sẽ hưởng lợi qua việc tiết kiệm được 114 triệu bảng Anh tiền thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Đối với hàng hóa xuất khẩu của Vương quốc Anh, con số tương ứng sẽ là 36 triệu bảng Anh.
PV (t/h).