Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thường xuyên nhắc đến điều khiến bà có được thành công vang dội như ngày hôm nay, đó là những bài học sâu sắc mà mẹ của bà đã truyền tải lại. Điều đặc biệt, những lời dăn dạy quý báu của mẹ bà Kamala Harris không chỉ được Phó Tổng thống một lòng khắc ghi, mà còn được các chuyên gia đánh giá cao về tính thực tiễn của nó.
"Đừng bao giờ làm việc nửa vời"
Bà Kamala Harris từng chia sẻ rằng, lời khuyên trên từ người mẹ quá cố đã thúc đẩy bà theo đuổi sự nghiệp trong ngành luật, với mục đích cuối cùng là trở thành một công tố viên giỏi để "bảo vệ mọi người".
Nghiên cứu cho thấy, khi trẻ em học cách kiên trì theo đuổi mục tiêu và không nản lòng trước khó khăn, chúng sẽ có nhiều khả năng đạt được thành công dài hạn. Theo nhà trị liệu tâm lý Amy Morin, việc cha mẹ khen ngợi nỗ lực của con cái giúp trẻ nhận ra rằng chúng có đủ sức mạnh để đối mặt với thất bại và vượt qua khó khăn dễ dàng hơn.
Bài học đầu tiên từ mẹ của bà Harris đã dạy bà tính bền bỉ, điều thật sự cần thiết cho sự nghiệp và vai trò lãnh đạo mà bà đã và đang đảm nhận.
"Đừng để ai nói con là ai, hãy cho họ thấy con là ai"
Lời khuyên "Đừng để ai nói con là ai, hãy cho họ thấy con là ai" của mẹ bà Harris là một câu nói mà bà luôn khắc cốt ghi tâm. Bà Harris cho rằng, chính những lời dạy này đã mang lại cho bà sự tự tin để không bận tâm đến những lời nghi ngờ hoặc chỉ trích từ người khác trong suốt sự nghiệp của mình. Phó Tổng thống Mỹ cũng tin rằng, việc thể hiện bản thân qua hành động và kết quả đạt được chính là cách tốt nhất để đáp lại những lời hoài nghi về khả năng của bà.
Lời khuyên từ mẹ không chỉ là nguồn động viên mà còn là kim chỉ nam giúp bà vững bước trên con đường chính trị đầy thử thách, khẳng định bản thân và cống hiến cho cộng đồng.
"Đừng than phiền... hãy hành động"
Lời khuyên "Đừng than phiền...hãy hành động" của mẹ là một triết lý sống mà bà Harris luôn ghi nhớ. Trước đây, bà đã chia sẻ rằng, mẹ bà không bao giờ chấp nhận việc con cái chỉ biết than vãn mà không tự tìm cách giải quyết vấn đề. Bà kể rằng, khi còn nhỏ, mỗi khi chị em bà về nhà và phàn nàn về điều gì đó, mẹ bà thường nhìn họ với ánh mắt nghiêm nghị, thậm chí đứng chống tay lên hông và hỏi: "Thế con định làm gì với chuyện đó?".
Câu hỏi trên không chỉ là lời nhắc nhở mà còn là động lực thúc đẩy bà phải tự mình giải quyết vấn đề thay vì trông chờ vào người khác. Chính thái độ này đã rèn luyện cho bà tính tự lập và khả năng đối mặt với khó khăn, góp phần tạo nên một lãnh đạo quyết đoán và có trách nhiệm như bà ngày hôm nay.
Hà Chi