Thời gian gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp và làng nghề ở tỉnh Bắc Ninh đã trở thành một thách thức đáng lo ngại. Trong đó, cụm công nghiệp Phú Lâm, tọa lạc tại xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, không nằm ngoại lệ. Với sự hiện diện của 18 doanh nghiệp sản xuất giấy, cụm công nghiệp này cung cấp việc làm cho hàng trăm lao động, nhưng cũng gây ra những vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường. Nhiều doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Phú Lâm không tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, gây ra tác động không tốt đối với môi trường sống. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương đã đưa ra những biện pháp quyết liệt nhằm khắc phục tình hình.
Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Ninh cùng với UBND huyện Tiên Du đã thường xuyên tiến hành kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. Trong khoảng thời gian từ 2021 đến 2022, đã có tổng cộng 24 văn bản thông báo, kết luận về công tác quản lý, xử lý ô nhiễm và vi phạm liên quan đến bảo vệ môi trường. UBND huyện Tiên Du cũng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt 18 cơ sở với tổng số tiền phạt lên đến hơn 4,8 tỷ đồng.
Mới đây, vào ngày 5/2/2024, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 9 trong số 18 doanh nghiệp hoạt động tại cụm công nghiệp Phú Lâm. Cụ thể, các doanh nghiệp này đã bị xử phạt và đình chỉ hoạt động trong 4,5 tháng vì không có giấy phép môi trường.
Nhằm tăng cường công tác quản lý môi trường tại cụm công nghiệp Phú Lâm, UBND huyện Tiên Du đã hợp tác với UBND xã Phú Lâm để thành lập một đoàn giám sát. Đoàn giám sát này được lãnh đạo bởi ông Nguyễn Công Ký, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện. Các thành viên trong đoàn bao gồm cán bộ từ Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện và lãnh đạo UBND xã Phú Lâm. Đoàn giám sát này có nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức giám sát việc thực hiện đình chỉ hoạt động của các doanh nghiệp vi phạm.
Ngoài ra, UBND huyện cũng đã giao nhiệm vụ cho Công an huyện phối hợp với các cơ quan chức năng khác để kiểm tra và giám sát việc thực hiện đình chỉ hoạt động của các doanh nghiệp này.
Thông tin tới báo chí, ông Nguyễn Công Ký - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Du cho biết, huyện đã kiểm tra 9 doanh nghiệp và yêu cầu tạm dừng hoạt động của các công ty vi phạm, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc những doanh nghiệp này hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và xây dựng đầy đủ các công trình xử lý nước thải, khí thải, chất thải đảm bảo theo quy định. Cùng với đó, đoàn giám sát đến từng doanh nghiệp nhắc nhở, yêu cầu chủ doanh nghiệp ký cam kết chấp hành nghiêm quy định đình chỉ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh đó, việc đưa vào sử dụng, vận hành Nhà máy xử lý nước thải cụm công nghiệp Phú Lâm công suất 10.000 m3/ngày, đêm và thu gom rác với tổng vốn đầu tư 186 tỷ đồng góp phần giải quyết căn bản vấn đề môi trường làng nghề. Dự án Nhà máy xử lý nước thải cụm công nghiệp Phú Lâm có tiêu chí về môi trường thuộc nhóm II theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường.
Hiện, trên địa bàn có 9/18 doanh nghiệp sản xuất giấy trong cụm công nghiệp đấu nối hệ thống ống dẫn nước thải vào nhà máy để xử lý, các doanh nghiệp còn lại đang hoàn thiện các thủ tục về môi trường và đầu tư hệ thống dẫn nước thải.
Tại địa bàn phường Phong Khê, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) có nguồn nước thải lớn và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ sản xuất giấy. Làng nghề này nằm trong danh sách phải xử lý triệt để, nhằm cải thiện chất lượng môi trường sinh thái và sản xuất của cộng đồng dân cư trong vùng.
Ngay từ đầu năm 2024, TP Bắc Ninh xây dựng kế hoạch và triển khai kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về xả thải gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường Phong Khê. Với phương châm thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, từng bước nâng cao ý thức của chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy và người dân về công tác bảo vệ môi trường.
Trong quá trình kiểm tra, xử lý kết hợp tuyên truyền, vận động chủ cơ sở sản xuất dừng hoạt động theo đúng lộ trình của Đề án.
Với lộ trình của Đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, TP Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2030” sẽ chuyển đổi, di dời các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy nằm trong khu dân cư trước ngày 31/12/2024; chuyển đổi, di dời của các cơ sở sản xuất giấy trong 2 CCN Phong Khê I và Phong Khê II trước ngày 31/12/2029.
Dự kiến đến hết tháng 10/2024, lực lượng chức năng TP Bắc Ninh sẽ giải quyết dứt điểm các trường hợp sản xuất trong khu dân cư, sử dụng đất xây nhà xưởng trái phép gây ô nhiễm môi trường với khoảng 228 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tại làng nghề giấy Phong Khê.
Mỹ Ánh