Theo đó, ngày 22/8/2024, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 2220/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cẩm nang "Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024". |
Nhằm tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân giảm thiểu các nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng, từ ngày 10/10/2024 đến ngày 20/11/2024 Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai Chiến dịch “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng”.
Trong thời gian vừa qua, các sự cố lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân, lừa đảo trực tuyến diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Một trong những nguyên nhân chính gây ra mất an toàn thông tin được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị.
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.
Theo Cục An toàn thông tin, trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.
Thời gian qua, người dân thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn lừa đảo trực tuyến. Các đối tượng lừa đảo tìm mọi cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất là con người. Bằng thủ đoạn tinh vi, đối tượng lừa đảo áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản.
Cũng theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2024 đã tiếp nhận hơn 22.200 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet gửi về Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.
Ngoài những biện pháp kỹ thuật, việc nâng cao nhận thức, cùng với các kỹ năng từ cơ bản tới nâng cao cho người dân được xem là một trong những biện pháp hàng đầu giúp ngăn chặn tác động tiêu cực của lừa đảo trực tuyến. Khi người dân, những người yếu thế nắm vững được các kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến sẽ cảnh giác hơn, từ đó giảm thiểu vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang xảy ra hàng ngày.
Người dân cần cảnh giác trước các thông tin mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh hoạ: Quang Lê). |
Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã đặt kế hoạch trong năm 2024 chỉ tiêu nâng thứ hạng về Chỉ số an toàn, an ninh mạng theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông tại thông tin đánh giá và xếp hạng chuyển đổi số (Chỉ số DTI) đạt xếp hạng từ 25 - 30, mục tiêu đến năm 2025 đạt xếp hạng từ 20 - 25; tỷ lệ người sử dụng Internet có cơ hội tiếp cận hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng kế hoạch năm 2024 đạt 70%, mục tiêu năm 2025 đạt 80%.
UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức, doanh nghiệp có liên quan triển khai Kế hoạch này; định kỳ hàng năm, các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ, gửi về Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 01 tháng 12 để tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Việc khai báo, cung cấp thông tin, dữ liệu số, giấy tờ thông qua mạng internet làm lộ lọt thông tin, là kênh hiệu quả để tội phạm thực hiện lừa đảo. |
Thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Sở đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương cùng phối hợp triển khai Chiến dịch tuyên truyền “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024”. Đẩy mạnh tuyên truyền về các đặc điểm nhận dạng, kỹ năng phòng chống trên báo, đài địa phương, các kênh thông tin, mạng xã hội… của các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng và phòng, chống tội phạm trên không gian mạng; Phòng An ninh kinh tế và Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với các đơn vị trong tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền phòng chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Chiến dịch tập trung phổ biến các kiến thức kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, nâng cao nhận thức cũng như kiến thức cho người dân thông qua 5 nhóm kỹ năng chính, bao gồm: Kỹ năng nhận biết, kỹ năng phát hiện, kỹ năng xử lý, kỹ năng phòng tránh và kỹ năng bảo vệ.
Chiến dịch được triển khai trên diện rộng từ ngày 10/10/2024 đến ngày 20/11/2024, phối hợp với các bộ ban ngành từ trung ương tới địa phương, các doanh nghiệp an toàn thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến, nền tảng mạng xã hội và các cơ quan báo chí, truyền thông trên cả nước.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, trong năm đã phát hiện, tiếp nhận và xử lý 55 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giảm 44 vụ so với năm thứ nhất, tài sản bị chiếm đoạt trị giá hơn 74 tỷ đồng, so với năm thứ nhất giảm hơn 376 tỷ. Trong đó, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra 20 vụ (chiếm 36,4% số vụ), so với năm thứ nhất giảm 13 vụ (giảm 39,4%); Lừa đảo theo phương thức truyền thống xảy ra 20 vụ (chiếm 36,4% số vụ phát hiện), so với năm thứ nhất giảm 01 vụ (giảm 4,8%); Các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản khác: xảy ra 15 vụ (chiếm 27,2% số vụ phát hiện), so với năm thứ 1 giảm 30 vụ (giảm 66,7%), mặc dù hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, giảm rõ rệt so với năm thứ trước, tuy nhiên dự báo trong thời gian tới tội phạm này sẽ diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhất là đánh vào tâm lý, ngoài các phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản truyền thống, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn ra phổ biến hơn, đa dạng về diện nạn nhân và hình thức, cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng chuyên nghiệp, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhiều bị hại, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. |