![]() |
Ngày 18/7/2025 – Hơn 200 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp, sở ngành và chính quyền địa phương đã cùng hội tụ tại Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố tại TP.HCM. Hội nghị do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Sở Du lịch tổ chức, với mục tiêu tháo gỡ những “nút thắt” trong phát triển du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố. Hơn 35 kiến nghị được tiếp nhận và nhiều ý kiến được giải đáp thẳng thắn.
TP.Hồ Chí Minh (mới) định vị lại sản phẩm để thu hút khách
![]() |
Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc ITPC và bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh cùng lắng nghe, giải đáp những thắc mắc cho doanh nghiệp |
Đây là lần đối thoại trực tiếp thứ 262 do ITPC tổ chức trong khuôn khổ hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền, khẳng định quyết tâm chính trị của Thành phố trong việc đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế có nhiều biến chuyển hậu sáp nhập địa giới hành chính.
Với tổng diện tích hơn 6.700km2, có cả sông, núi, rừng, biển, TP. Hồ Chí Minh đa dạng về sản phẩm du lịch, di tích lịch sử văn hóa. Du lịch là mũi nhọn để quảng bá thương hiệu, bản sắc của TP. Hồ Chí Minh. Bởi phát triển du lịch không thể đơn lẻ cần có một chiến lược tổng hợp để phát triển các địa phương.
6 tháng qua, thành phố đón hơn 5 triệu lượt khách quốc tế, 30 triệu khách nội địa, doanh thu 130.000 tỷ đồng, tuy kế hoạch mới đạt 47% so với kế hoạch năm 2025, tăng hơn 30% so với cùng kỳ.
![]() |
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh giải đáp những vướng mắc cho doanh nghiệp |
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, sau sáp nhập, TP.Hồ Chí Minh (mới) cần định vị lại về các sản phẩm: du lịch văn hóa ở vùng trung tâm, du lịch sinh thái, trải nghiệm tại khu rừng ngập mặn Cần Giờ, đặc khu Côn Đảo, du lịch ven đô... Làm thế nào để du lịch thành phố sau sáp nhập trở nên đa trung tâm, đa sắc màu, đa sản phẩm là điểm đến hấp dẫn, bền vững, sâu sắc hơn? Vì TP.HCM mới vừa có công nghiệp, nông nghiệp, du lịch nội đô, biển, rừng... Do đó câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp, sở ban ngành cần có cái nhìn chiến lược và dài hạn để xây dựng các chương trình mục tiêu nhằm phát triển ngành du lịch. Chúng ta cần có nhiều điểm đến hấp dẫn và thông minh hơn, cần đổi mới về mô hình kinh doanh, xu thế xanh, xu thế số... bà Hiếu nhấn mạnh
![]() |
Bà Thanh Thảo – Trưởng phòng Quy hoạch phát triển Tài nguyên du lịch Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh chia sẻ về tầm nhìn các sản phẩm du lịch của TP.HCM đến năm 2050 |
Bà Thanh Thảo – Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh cho biết tầm nhìn định hướng quy hoạch du lich của thành phố từ 2030 định hướng 2050.
Theo đó, Sở sẽ công bố các tài nguyên sản phẩm theo cập nhật đơn vị hành chính mới sẽ có 500 điểm đến bao gồm 3 khu vực mới được cập nhật lại thông tin, địa lý mới. Theo tầm nhìn 2030 – 2045 Sở đang rà soát định vị lại thương hiệu du lịch TP.Hồ Chí Minh mới, cũng như định vị lại các giá trị cốt lõi của du lịch TP.HCM, và các hệ thống sản phẩm mang tính đặc trưng dựa trên 5 nhóm: Lễ hội sự kiện phát huy giá trị của đô thị lớn (VD như lễ hội áo dài, lễ hội sông nước, lễ hội âm nhạc...); Lễ hội đường sông và đường biển trong đó kết nối với vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; Sản phẩm giá trị văn hóa đặc trưng bao gồm giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật dân gian, chú trọng sản phẩm biểu diễn trải nghiệm và tương tác với nghệ nhân; Phát triển các dịch vụ đêm và cuối cùng là xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm và du lịch cộng đồng.
Phát triển du lịch đồng bộ cần những cơ chế cho khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ)
Tuy nhiên để tạo sự liên vùng, liên kết thu hút khách du lịch tại các địa danh như Xuyên Mộc, Côn Đảo, Long Hải, Châu Đức hay Cần Giờ tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn và thu hút nhưng hạn chế về giao thông, về hạ tầng xe công cộng, về các dịch vụ về đêm... đang là rào cản thu hút khách đến nghỉ dưỡng vui chơi tại đây. Hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực tại Bà Rịa – Vũng Tàu nêu ý kiến khi tham gia hội nghị.
![]() |
Bà Ngô Chánh Nga – Giám đốc Công ty TNHH phát triển du lịch sinh thái Xuyên Mộc Hồ Tràm mong muốn được đầu tư tuyến xe buýt từ Vũng Tàu về Hồ Tràm, Bình Châu |
Bà Ngô Chánh Nga – Giám đốc Công ty TNHH phát triển du lịch sinh thái Xuyên Mộc Hồ Tràm cho biết: “Khu vực biển từ Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Hồ Cốc, Bình Châu, có vị trí địa lý và bãi biển đẹp nhưng chưa có các dịch vụ về đêm cho du khách vui chơi và tiêu tiền, chưa có bar, club nhiều nên không thu hút được khách du lịch nghỉ dưỡng dài ngày. Chúng tôi rất mong Thành phố đầu tư tuyến xe buýt công cộng chạy từ 6h – 24h tổ chức vận chuyển khách từ Bình Châu, Hồ Tràm lên TP.Vũng Tàu chơi về đêm và ngược lại khách từ Vũng Tàu có thể xuống Bình Châu, Hồ Tràm trải nghiệm nghỉ dưỡng du lịch sinh thái. Đi taxi đã mất 700.000 – 800.000đồng sẽ hạn chế lượng khách lưu thông. Nếu thành phố có chủ trương đầu tư và chưa đầu tư được thì chúng tôi xin được tham gia đầu tư tuyến xe buýt này”.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Thùy Nga – Giám đốc Sale and Marketing Lan Rừng Beach Resort nêu khó khăn khi thay đổi địa chỉ sẽ khó lên top tìm kiếm trên nền tảng số |
Cùng làm du lịch chất lượng cao tại khu biển Long Hải (Đất Đỏ), bà Nguyễn Thị Thùy Nga – Giám đốc Sale and Marketing Lan Rừng Beach Resort, tại Phước Hải, Long Hải nêu khó khăn khi tại địa phương Long Đất có đền cô Sáu là điểm du lịch tâm linh nhưng đi lại cũng khó khăn và chưa được đầu tư tương xứng nên trong thời gian tới Thành phố có hướng gì để phát triển khu vực này hay không?
Một địa danh khác nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá hết tiềm năng đó là đặc khu Côn Đảo. Do khó khăn về giao thông và phụ thuộc vào thời tiết nên kinh doanh hoạt động theo mùa.
![]() |
Ông Ngô Tuấn Tú – Giám đốc Công ty lặn biển Amadive cho biết nhiều bất cập tại đặc khu Côn Đảo |
Ông Ngô Tuấn Tú – Giám đốc Công ty lặn biển Amadive chia sẻ: Côn Đảo là nơi nghỉ dưỡng du lịch và tâm linh nhưng đang gặp nhiều vấn đề khó khăn: Đi lại khó khăn, thiếu sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí 90% hướng vào du lịch tâm linh vì không có chỗ chơi, chưa có kinh tế đêm và hoạt động theo mùa nên giá cả rất cao. Cũng như hiện trạng đang bị đầu cơ vé máy bay và khách sạn, Các hoạt động tự phát, không phép của các cơ sở kinh doanh du lịch và sự hoạt động lừa đảo của các fanpage giả... Ông Tú cũng có câu hỏi đặt ra cho Sở: Định hướng của Sở du lịch về đặc khu Côn Đảo có hướng phát triển như thế nào? Các vấn nạn mà ông vừa nêu trên rất mong Sở Du lịch quan tâm và giải quyết triệt để? Ông cũng mong Côn Đảo là “thiên đường” nên cư xử phát triển nó theo hướng bền vững, ví dụ như có kế hoạch phục hồi các loại san hô đã chết không? Đồng thời tại khu đặc khu này nên phát triển, xây dựng kinh tế đêm để tăng trải nghiệm cho du khách?.
Các ý kiến được các ban ngành và Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh lắng nghe, ghi nhận và trả lời trực tiếp tại buổi đối thoại, Doanh nghiệp rất mong các phản hồi đến được với cơ quan ban ngành để làm sao xây dựng phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn mang lại nguồn thu lớn cho TP.Hồ Chí Minh.