Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa hoàn tất đàm phán hai hiệp định thương mại quan trọng: Hiệp định thương mại hàng hóa nội khối Asean (ATIGA) phiên bản nâng cấp và Hiệp định thương mại tự do Asean – Trung Quốc (ACFTA) 3.0. Cả hai dự kiến sẽ được ký kết tại Hội nghị Cấp cao Asean lần thứ 47 vào tháng 10 tới tại Kuala Lumpur, theo Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, ông Tengku Zafrul Aziz.
![]() |
Asean chốt hai hiệp định thương mại, mở đường hội nhập kinh tế sâu rộng |
Phát biểu sau cuộc họp Hội đồng Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) hôm Chủ nhật (25/5), ông Tengku Zafrul nhấn mạnh đây là “bước tiến quan trọng trong nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực”, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và bất ổn toàn cầu lan rộng.
Phiên bản nâng cấp của ATIGA được thiết kế với các điều khoản mang tính chiến lược và thực tiễn cao, nhằm tăng cường thương mại nội khối, củng cố chuỗi cung ứng và thúc đẩy sự gắn kết kinh tế sâu hơn giữa các quốc gia thành viên. Trong khi đó, ACFTA 3.0 sẽ mở rộng hợp tác thương mại với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Asean, thông qua các cam kết mới về kinh tế số và kinh tế xanh.
![]() |
Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, ông Tengku Zafrul Aziz |
Song song với các hiệp định thương mại, ASEAN cũng đang chuẩn bị công bố Kế hoạch chiến lược Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) 2026–2030, bản kế hoạch kế thừa và phát triển từ AEC Blueprint 2025. Văn kiện này sẽ được chính thức ra mắt trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 diễn ra vào đầu tuần này.
Theo ông Tengku Zafrul, kế hoạch mới sẽ tập trung vào tăng trưởng bao trùm, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và kết nối khu vực, đặt nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Asean trong bối cảnh toàn cầu ngày càng biến động. Chiến lược này bao gồm 6 mục tiêu chiến lược, 44 mục tiêu cụ thể và 192 biện pháp thực hiện, với trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (MSME), phát triển hạ tầng số và thích ứng khí hậu.
Một phiên thảo luận với các bên liên quan sẽ được tổ chức vào ngày 12/6 tại Kuala Lumpur để tăng cường nhận thức và khuyến khích sự tham gia của khối doanh nghiệp và xã hội dân sự.
Bên cạnh đó, Tuyên bố Kuala Lumpur, văn kiện trọng điểm dưới vai trò Chủ tịch Asean của Malaysia trong năm 2025, cũng sẽ được công bố vào ngày khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh. Theo Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, tuyên bố này tập trung vào việc tăng cường khả năng chống chịu của Asean thông qua cải cách số, nâng cao năng lực thể chế và chuẩn bị sẵn sàng trước các cú sốc kinh tế và địa chính trị.
Một điểm nhấn khác tại cuộc họp là việc hoàn tất đàm phán Biên bản ghi nhớ tăng cường về Mạng lưới điện Asean (APG) – sáng kiến kết nối năng lượng xuyên biên giới được đề xuất từ hơn 20 năm trước. Thỏa thuận mới cũng sẽ được ký vào tháng 10/2025 tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN, với mục tiêu tăng cường thương mại điện khu vực và đẩy mạnh an ninh năng lượng.
Ngoài ra, ASEAN cũng đang xây dựng một khung tài chính riêng cho APG, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án hạ tầng năng lượng quy mô lớn, hỗ trợ tiến trình chuyển đổi xanh. “Theo đuổi kết nối năng lượng sẽ là yếu tố cốt lõi giúp Asean đạt mục tiêu khí hậu và nâng cao khả năng phục hồi kinh tế”, ông Zafrul nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Malaysia cũng kêu gọi các nước thành viên từ bỏ tư duy “kinh doanh như thường lệ”, thay vào đó cần hành động nhanh nhạy, thích ứng với thực tế và giảm phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Ông nhấn mạnh: “Môi trường hiện tại đòi hỏi chúng ta phải hành động táo bạo hơn”.
Cuộc họp Hội đồng Kinh tế AEC lần này có sự tham gia đầy đủ của 10 nước thành viên ASEAN cùng với Timor-Leste – quốc gia đang trong lộ trình gia nhập khối sau khi được chấp thuận sơ bộ từ năm 2023.