Apple đã chi hàng triệu USD để thêm mã vạch (QR) vào màn hình iPhone nhằm tránh bị tính phí hàng trăm triệu USD bởi các nhà cung cấp gian dối trong báo cáo lượng màn hình lỗi của quá trình sản xuất.
Theo PCMag, Apple được cho là đã giám sát các công ty màn hình Trung Quốc Lens Technology và Biel Crystal với cáo buộc làm sai lệch báo cáo số lượng màn hình lỗi. Cụ thể, họ khẳng định 30% màn hình iPhone từng bị vứt đi do bị lỗi. Nhưng sau khi Apple tạo ra hệ thống QR mới được khắc vào kính, tỷ lệ lỗi này đã giảm xuống còn 10%. Do phải thanh toán toàn bộ chi phí nguyên vật liệu, việc giảm lỗi giúp hãng tiết kiệm hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Có rất nhiều mã QR được in trên các bộ phận bên trong iPhone và bạn có thể dễ dàng nhìn thấy chúng nếu mở máy của mình. Những mã số này giúp Apple tìm hiểu chi tiết về nguồn gốc của linh kiện. Song thật đáng ngạc nhiên là ngay cả màn hình iPhone cũng có mã QR ẩn.
Theo The Information, mã QR được khắc trên kính iPhone ở các giai đoạn sản xuất khác nhau. The Information đề cập rằng gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã phát triển hệ thống này vào năm 2020, giúp Apple “theo dõi và giảm thiểu các khiếm khuyết” trong dây chuyền sản xuất của mình. Những mã QR này được mô tả là “có kích thước bằng hạt cát” và không có gì đáng ngạc nhiên khi chỉ có thể nhìn thấy được bằng thiết bị đặc biệt.
Trên thực tế, có hai mã QR trên mỗi màn hình iPhone và chúng được thêm vào điểm khác nhau, ở các giai đoạn sản xuất khác nhau. Thông tin không nhất quán về kích thước của các mã, cho rằng một mã có kích thước bằng hạt cát, nhưng sau đó mô tả nó là 0,2mm.
Hai nguồn tin nói với The Information rằng mã QR nhỏ hơn là một ma trận gồm 625 điểm được nhúng bằng tia laser, không nằm cùng một vị trí trên mọi iPhone.
Trên một số mẫu iPhone, chẳng hạn như iPhone 12, mã QR nằm ngay phía trên loa trước. Các mẫu iPhone gần đây hơn đều có mã QR này được khắc laser trên khung màu đen ở cạnh dưới màn hình. Các mã được thêm vào trong những giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất.
Quá trình phát triển mã QR siêu nhỏ không dễ dàng. Giai đoạn đầu, Apple gặp nhiều khó khăn vì dấu khắc laser khiến màn hình yếu đi. Trong các thử nghiệm thả rơi, vết nứt luôn xuất hiện ở vị trí đặt mã. Vấn đề chỉ được khắc phục khi kỹ sư của hãng tạo công nghệ in bằng thấu kính siêu nhỏ, sử dụng đèn chiếu dạng vòng.
The Information cho biết Lens Technology và Biel Crystal muốn ngăn việc xác định tỷ lệ màn hình lỗi của Apple nhưng không thành công. Bên cạnh đó, ngoài dữ liệu về nhà cung cấp, mã QR ẩn được cho là giúp ghi nhận thêm nhiều thông tin liên quan đến quá trình sản xuất.
Được biết, Apple tiếp tục sử dụng kính thô từ Corning - một công ty mà Apple thường xuyên đầu tư. Nhưng nguyên liệu thô đó được chuyển đến Lens Technology và Biel Crystal để tạo hình. Với mã nhỏ, Apple có thể theo dõi các màn hình được cho là bị lỗi, trong khi mã lớn sẽ dành cho việc xác định các lỗi thực sự và giúp Apple biết công ty nào trong số hai đối tác của mình cung cấp màn hình bị hỏng. Bên cạnh đó, mã này cũng có thể chứa đủ chi tiết để giúp Apple dễ dàng thu hẹp việc xác định các vấn đề cho các lô sản xuất màn hình cụ thể.
Apple hiện không bình luận về sự tồn tại của các mã QR siêu nhỏ này.
Minh Tú (t/h)