Ấn Độ dự kiến sản phẩm chip đầu tiên sẽ xuất xưởng vào năm 2024

16:19 06/07/2023

Thời hạn này có thể khá khắt khe trong bối cảnh Ấn Độ đang nỗ lực xây dựng năng lực sản xuất điện thoại thông minh, pin, xe điện và các thiết bị điện tử khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ấn Độ sẽ khởi công nhà máy lắp ráp chất bán dẫn đầu tiên vào tháng tới và bắt đầu sản xuất vi mạch trong nước từ cuối năm 2024. Đây là thông tin được tờ Financial Times đưa ra mới đây.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời Bộ trưởng công nghệ thông tin Ấn Độ Ashwini Vaishnaw, cho biết, công ty bán dẫn Micron Technology của Mỹ sẽ khởi công nhà máy lắp ráp và kiểm tra chip tại Gujarat vào tháng 8. Dự án của Micron Technology trị giá 2,75 tỷ USD, bao gồm cả tài trợ từ Chính phủ Ấn Độ.

Ông Vaishnaw cũng tiết lộ, bộ phận Sứ mệnh bán dẫn Ấn Độ (ISM) đang tích cực làm việc để thu hút hỗ trợ từ các đối tác cung ứng nguồn khác, bao gồm nhà cung ứng hóa học, khí đốt, thiết bị sản xuất, cùng các công ty quan tâm đến mở nhà máy sản xuất đĩa bán dẫn (silicon wafer).

Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, ông Vaishnaw khẳng định, Ấn Độ là nước thiết lập một ngành công nghiệp mới nhanh nhất thế giới. “Tôi không chỉ nói về một công ty mới, đây là ngành công nghiệp hoàn toàn mới với cả nước”, ông chia sẻ. “18 tháng là thời hạn chúng tôi đặt mục tiêu nhà máy sản xuất sản phẩm đầu tiên – chính là tháng 12/2024”.

Khung thời gian 18 tháng khá khắt khe trong bối cảnh Ấn Độ đang nỗ lực xây dựng năng lực sản xuất điện thoại thông minh, pin, xe điện và các thiết bị điện tử khác. Lĩnh vực sản xuất công nghệ của Ấn Độ được đánh giá tụt hậu so với các nền kinh tế dẫn đầu về xuất khẩu ở Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, vốn bắt đầu sớm hơn và trợ cấp nhiều hơn cho ngành công nghiệp này.

Ông Vaishnaw cũng nói rằng, Ấn Độ có hơn 50.000 nhà thiết kế chất bán dẫn và “thực tế mọi con chip phức tạp trên thế giới” đều đã được thiết kế ở Ấn Độ.

Mỹ đang đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ về chip, một phần của mối quan hệ đối tác mở rộng được củng cố trong chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Narendra Modi tới Mỹ vào tháng 6. Bên cạnh thỏa thuận của Micron Technology, nhà sản xuất thiết bị chip Applied Materials của Mỹ cũng công bố kế hoạch đầu tư 400 triệu USD vào một trung tâm kỹ thuật mới ở Bengaluru.

Trên toàn cầu, gián đoạn do đại dịch COVID-19 dẫn tới cuộc chạy đua thiết lập năng lực sản xuất chất bán dẫn và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chip bán dẫn được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh và máy tính xách tay đến ôtô và thiết bị quân sự. Trong đại dịch, các dây chuyền sản xuất trên toàn cầu chịu tác động của việc thiếu chip.

Đài Loan hiện đang thống lĩnh ngành sản xuất chất bán dẫn vốn có giá trị thị trường ước tính 500 tỉ USD trên toàn cầu. Chỉ riêng công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) của Đài Loan đã chiếm khoảng 50% sản lượng chip bán dẫn toàn cầu.

Các quốc gia và khu vực khác cũng đã công bố kế hoạch đẩy mạnh sản xuất chất bán dẫn trong nước dựa trên ước tính quy mô của ngành sẽ tăng gấp đôi trong năm 2030. Ví dụ, Liên minh Châu Âu có kế hoạch hỗ trợ tài chính hàng tỉ USD để thành lập các nhà máy sản xuất chip tiên tiến.

Phương Anh (t/h)