6 lời khuyên từ CEO Microsoft về cách điều hành công ty và quản lý nhóm

14:34 01/07/2024

Năm nay, CEO Satya Nadella đánh dấu 10 năm lãnh đạo Microsoft. Trước đây ông từng được bầu chọn là một trong những CEO hàng đầu trong thế hệ của mình. Dưới đây là một số nguyên tắc của ông để lãnh đạo và quản lý một nhóm và cả công ty.

Ông Satya Nadella năm nay kỷ niệm 10 năm làm CEO của Microsoft
Ông Satya Nadella năm nay kỷ niệm 10 năm làm CEO của Microsoft. (Ảnh: Business Insider)

Khả năng lãnh đạo của ông được ghi nhận là đã mang lại sức sống mới cho văn hóa công ty, thúc đẩy tăng trưởng trong quan hệ đối tác và thậm chí dẫn dắt Microsoft vượt qua Apple để trở thành công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới vào đầu năm nay.

Vậy phương pháp quản lý nào đã giúp ông đạt được thành công như vậy? Dưới đây là một số lời khuyên tốt nhất về lãnh đạo và quản lý của ông trong nhiều năm qua:

Tạo sự rõ ràng

Nadella nói rằng, khả năng “tạo ra sự rõ ràng khi không có gì tồn tại” là “phẩm chất quan trọng nhất mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng cần phải có”.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2019 với Tạp chí Chicago Booth: “Bạn không cần một người lãnh đạo khi mọi thứ đều được xác định rõ ràng, tất cả những gì bạn phải làm là tuân theo một kế hoạch được định trước… Nhưng trong một tình huống không rõ ràng, khi không thể có thông tin đầy đủ, đó là lúc khả năng lãnh đạo trở nên quan trọng. Khả năng của bạn để vượt qua một thời điểm và một tương lai không chắc chắn và mang lại sự rõ ràng là chìa khóa".

Lan toả năng lượng cho mọi người

Nadella cũng tìm kiếm những ứng viên có thể "lan toả năng lượng" tới những người xung quanh.

Ông nói với tạp chí: “Không có điều gì luôn nằm trong tầm kiểm soát của bạn, vì vậy ý ​​tưởng rằng bạn phải tạo ra năng lượng xung quanh mình là một yếu tố khác, bạn phải thực sự trau dồi các kỹ năng để làm điều đó. Bạn phải ở trạng thái truyền đạt tốt nhất. Bạn phải có những người ủng hộ và đi theo xung quanh mình".

Ông cũng nói về chủ đề này vào năm 2014: “Về lâu dài, EQ sẽ vượt qua IQ… Nếu không trở thành nguồn năng lượng cho người khác thì rất ít thành tựu có thể đạt được”.

Mang lại thành công

Ông nói, một nhà lãnh đạo cũng phải có khả năng “tạo ra thành công trong một không gian bị coi là vô cùng hạn chế”.

“Cuộc sống xoay quanh các vấn đề vô cùng ràng buộc”, ông nói trong cuộc phỏng vấn trên tạp chí. "Vì vậy, bạn không thể chỉ nói là: Bạn biết gì không? Tôi chỉ đợi bạn xóa bỏ mọi ràng buộc và tôi sẽ trở nên hoàn hảo. Khi các nhà lãnh đạo đến và nói: Tôi không thể làm điều này hoặc tôi không thể thúc đẩy thành công hay đạt được thành công vì tất cả những yếu tố ngoại sinh này; hãy đoán xem, mọi thứ sẽ đều là ngoại sinh".

Lắng nghe trong các cuộc họp và hãy quyết đoán

CEO Nadella cũng đưa ra lời khuyên về việc điều hành các cuộc họp. “Hãy lắng nghe nhiều hơn, nói ít hơn và quyết đoán khi thời cơ đến”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 với The Wall Street Journal.

Thúc đẩy sự an toàn về mặt tâm lý

Nadella cho biết, ông quan tâm đến việc thúc đẩy sự an toàn về mặt tâm lý tại nơi làm việc. Điều này tạo ra một môi trường nơi nhân viên không sợ bị trừng phạt nếu đặt câu hỏi, chia sẻ mối lo ngại hoặc mắc lỗi.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn tại Hội nghị Công việc tương lai Wharton năm 2022: “Sự an toàn về mặt tâm lý mà bạn tạo ra xung quanh mình, đặc biệt là khi bạn càng ở cấp cao, trở nên cực kỳ quan trọng... Một kỹ thuật có thể sử dụng đó là chia sẻ khả năng mắc sai lầm của chính bạn, vì điều đó mang lại niềm tin cho người khác".

Hãy đồng cảm

Nadella không coi sự đồng cảm là một kỹ năng mềm. Trên thực tế, trong một cuộc phỏng vấn năm 2023 với Giám đốc điều hành Axel Springer Mathias Döpfner, ông cho rằng, đó là “kỹ năng khó nhất mà chúng ta học được”.

CEO Nadella đã nói trong một tập năm 2020 của podcast “Xin chào thứ Hai” của LinkedIn: “Nếu bạn có sự đồng cảm với nhân viên của mình, họ sẽ làm việc hết mình còn bạn sẽ đạt được những tiến bộ”.

Ông nói thêm rằng, sự đồng cảm cũng giúp thúc đẩy sự đổi mới: “Đổi mới là đáp ứng những nhu cầu chưa được đáp ứng rõ ràng của khách hàng. Nguồn gốc của nó là gì? Bạn có thể nói đó là tư duy thiết kế, nhưng tư duy thiết kế chính là sự đồng cảm".

Lân Nguyễn (t/h)