Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - Campuchia tăng mạnh Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai tăng 99% so với cùng kỳ Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt 511,11 tỷ USD |
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng hóa 11 tháng tháng sơ bộ đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, tăng 20,0%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - FDI (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến sơ bộ đạt 325,52 tỷ USD, chiếm 88,0%.
Xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ nhịp tăng trưởng tốt trong cả năm 2024. |
Liên quan đến nhập khẩu hàng hóa, tính chung 11 tháng năm 2024 sơ bộ đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 126,05 tỷ USD, tăng 18,5%; khu vực có vốn FDI đạt 219,57 tỷ USD, tăng 15,2%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 108,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 130,2 tỷ USD.
Tính chung 11 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 24,31 tỷ USD (cùng kỳ năm 2023 xuất siêu 26,2 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,17 tỷ USD; khu vực có vốn FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 46,48 tỷ USD.
Tuy còn gần 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2024, song xuất nhập khẩu hàng hóa thực sự là điểm sáng của nền kinh tế trong khi vẫn là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Những dấu ấn nổi bật của bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 có thể kể đến như xuất khẩu gạo đạt trên 5 tỷ USD, dự báo rau quả Việt Nam sẽ lập mốc kỷ lục 7 tỷ USD, thậm chí có thể vượt mọi dự báo với con số 7,2 tỷ USD trong năm 2024.
Cùng đó, 11 tháng qua đã xuất hiện thị trường xuất khẩu vượt 100 tỷ USD. Cụ thể, thị trường lớn nhất, Hoa Kỳ đã mua từ Việt Nam 108,9 tỷ USD hàng hóa, tăng 23,9%; EU nhập từ Việt Nam 47,3 tỷ USD, tăng 18,1%; Hàn Quốc 23,4 tỷ USD, tăng 8,7; ASEAN 33,7 tỷ USD, tăng 13,4%...
Việt Nam đang thực thi 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa nước ta trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu.
Phân tích về các nguyên nhân tác động đến tăng trưởng xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng, thị trường thế giới có dấu hiệu ổn định, lạm phát giảm tại các thị trường lớn, nhu cầu và sức mua phục hồi; tình hình sản xuất trong nước ổn định, nguồn hàng dồi dào, phong phú; thu hút FDI đạt kết quả tốt.
Cùng với đó, tình hình thế giới năm 2025 sẽ tiếp tục diễn biến theo hướng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khi các thị trường đang có nhu cầu gia tăng trở lại với hàng hóa. Kinh tế thế giới tiếp tục có xu hướng phục hồi là cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, những thách thức đến khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ thì các hàng rào là các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn, môi trường, lao động hay nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng được dựng lên. Do đó, doanh nghiệp cần phải nắm bắt thật rõ cơ hội và thách thức, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công Thương sẽ tập trung vào công tác phát triển thị trường, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp. Trong đó, Bộ đã chỉ đạo mạng lưới thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ, quảng bá nỗ lực của doanh nghiệp Việt trong việc đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh của các nước. Các nội dung hướng dẫn, thông tin liên quan đến quy định của nước ngoài, các sổ tay cũng sẽ được triển khai thực hiện để đưa đến cho hiệp hội, doanh nghiệp kịp thời, nhanh nhất để doanh nghiệp có thể chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của thị trường.