Về chùa Lôi Âm Quảng Ninh lễ chùa thiêng ngắm phong cảnh hữu tình

00:00 12/10/2020

DNHN: Tương truyền rằng: Ngọn núi Linh Thứu trùng điệp thuộc phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xưa nhiều lũ yêu ma ẩn náu thường xuyên quấy nhiễu dân làng. Năm tháng trôi qua, một chàng trai  mồ côi cha mẹ lớn lên chứng kiến cảnh tang tóc đau thương, chàng bèn trốn thoát và gặp được Đức Phật. Ngài ban cho chàng một hộp gỗ. Về đến quê, đợi giữa đêm khuya, khi yêu ma lộng hành, chàng trai mở nắp hộp, mùi hương trầm lan tỏa cùng tiếng tụng kinh niệm Phật vang xa văng vẳng khắp núi rừng khiến lũ yêu ma kinh hãi hú hét bỏ chạy toán loạn. Từ đó, nơi đây trở nên thái bình và đêm đến lại vẳng tiếng kinh tụng, thoảng mùi hương trầm. Thấy vậy, nhân dân trong vùng cùng nhau lập một ngôi chùa thờ Phật tại đỉnh ngọn núi cao gọi là chùa Lôi Âm.

chua-loi-am

Toàn cảnh "Chùa Lôi Âm  làm hình chữ công trước có 8 mái, buông 4 mái và hậu cung 12 mái toàn bộ bằng gỗ, tọa lạc trên ngọn núi cao 503 mét tính từ mặt hồ Yên Lập, ẩn mình trong khu rừng nguyên sinh trùng điệp nhìn ra vựng sông Hốt.

Từ đường Quốc lộ 18 về đến phường Đại Yên, rẽ trái vào hơn 1km, gửi xe vào bãi  lên chùa Lôi Âm, du khách phải đi đò qua hồ Yên Lập (gọi là hồ nhưng thực ra là vịnh lớn của Hạ Long rộng 182,6km2, độ sâu trung bình 29,5m). Tuyến đường thủy này lại tạo thêm nét đẹp sinh thái để du khách vãn cảnh và tìm lại sự cân bằng thanh tịnh trước khi đến cửa thiền. Mất 15 phút ngồi đò máy, nhẹ lướt trên mặt nước mênh mông xanh biếc một màu, phóng tầm mắt qua các đồi đảo nhấp nhô, hít hà không gian trong lành, du khách được ngắm cảnh đẹp mê hồn của vịnh Hạ Long thu nhỏ. Thêm gần 1h đồng hồ đi bộ hoặc 10 phút xe ôm, du khách đi qua những ngọn đèo, dốc thoải, có đoạn dốc ngược những con đường mòn uốn lượn, những rặng thông lấp ló ánh mặt trời, những đồi dứa ngập quả, nhìn xuống vịnh như bức tranh sơn thủy trầm mặc. Đi bộ lên rừng nguyên sinh hoang sơ trùng điệp cây cổ thụ 10 phút nữa, du khách đã tới được ngôi chùa.

di-thuyen-tren-ho-loi-am

Đi du thuyền qua vịnh hồ Yên Lập, lên đồi dứa, thông đẹp hữu tình, du khách sẽ lên được rừng nguyên sinh trùng điệp với cây vài trăm tuổi là tới cổng chùa.

Trao đổi với PV, Chủ Doanh nghiệp vận tải Hải Phòng chia sẻ: “Hiện nay, nhiều nơi chùa bị biến thành nơi thương mại hỗn tạp, nhưng nơi đây tuyệt đối không có một hàng quán nào, chỉ có nhà ăn chay của chùa, thanh tịnh và bình yên vô cùng. Ngày đầu năm đưa cán bộ nhân viên đi lễ chùa cầu an vui, may mắn chúng tôi được vãn cảnh sơn thủy đẹp mê hồn, hòa mình cùng thiên nhiên ban sơ, quẳng gánh lo toan hàng ngày bộn bề trăm công ngàn việc”. Sau chùa có giếng Tiên bốn mùa trong xanh, suối Giải Oan từ đỉnh núi chảy xuống đến chùa chia làm hai nhánh. Đặc biệt hơn là khu rừng này có loài hoa Sở một năm hai lần nở hoa, trong đó có 1 lần hoa nở vào chính lễ giỗ Tổ ngày 27 tháng Giêng. Gặp gỡ cụ bà Nguyễn Thị H. ở phường Đại Yên, cụ cho biết: “Tôi gắn bó với nơi này vài chục năm rồi. Năm 1998, Sư thầy Thích Tục Khang cùng đệ tử Thích Bản Tường về đây tiếp nhận GPMB, vừa trồng cây gây rừng đồng thời bảo vệ rừng nguyên sinh (nhiều lần bị cháy và chặt phá). Năm 2002, Sư thầy Thích Bản Tường chính thức nhận quyết định trụ trì, chung tay cùng chính quyền và nhân dân địa phương dồn công, góp sức vượt hồ sâu, núi cao vài km xây dựng lại chùa. Năm 2007 khánh thành ngôi chùa bằng gỗ đẹp nhất nhì Hạ Long. Dân làng chúng tôi mừng lắm, thường nhắc nhở con cháu đi đâu, làm gì nhớ về chùa lễ Tổ cầu xin, mọi việc sẽ được thuận lợi may mắn”. Dẫn chúng tôi tới cây hương bằng đá khắc dòng chữ Hán, Sư thầy Thích Bản Tường trụ trì Lôi Âm cho biết nhà chùa tìm lại được 5 văn bia, 20 tháp đổ nát  và cây hương bằng đá xây lại toàn bộ. Trong văn bia  lưu lại dòng chữ: “Hoàng Triều năm chính hòa thứ 7”, nghĩa là vào khoảng TK 17. Như vậy cách đây khoảng 200 năm  ngôi chùa  đã được trùng tu lần thứ 3. Bên trái chùa có 2 cây xoài theo đánh giá của các nhà khoa học thì tuổi thọ của nó khoảng 700 tuổi, điều này khẳng định chùa Lôi Âm có từ gần ngàn năm về trước

bia-da-ghi-danh

Bia đá và những dấu tích ngôi chùa cổ còn lưu lại đến giờ.

Có câu ca rằng: “Nửa đêm có chớp chùa Lôi/ Con ơi tỉnh giấc mang nồi ra sân”. Nghĩa là, khi có sấm chớp ở chùa Lôi, ắt có mưa to. Ngay từ năm Tự Đức thứ 3, triều Nguyễn, chỉ dụ “Lôi Âm danh sơn Hải Đông”. Sách Đồng Khánh Dư địa chí có đoạn: “Tỉnh hạt Quảng Yên có danh sơn là núi Lôi Âm, sông lớn là sông Bạch Đằng. Danh thắng có chùa Lôi Âm, được xây dựng trên núi Lôi Âm”… cho thấy  nhiều huyền thoại  linh thiêng đã được đúc kết lưu truyền về chốn địa linh này. Được biết mùa lễ  năm ngoái có tới gần trăm ngàn lượt khách và riêng ngày chính lễ 27 tháng Giêng có hàng vạn tăng ni, phật tử  về giỗ Tổ, tham quan chiêm bái khiến đường vào, các bãi xe bến đò đều quá tải. Năm nay, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long đang quan tâm tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư xây dựng quy mô hạ tầng, bến bãi, đặc biệt  mở rộng chỉnh trang đường vào phục vụ du khách lễ chùa tham quan, vãn cảnh được an toàn, tiện lợi hơn.