Tham gia sân chơi toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp phải có đủ tiềm lực, liên kết, hợp tác chặt chẽ

00:00 12/10/2020

Nhằm tìm ra những sáng kiến, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường liên kết, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, ngày 8/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”.

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT

Khái quát về bức tranh doanh nghiệp Việt Nam liên kết để tham gia chuỗi nông sản toàn cầu, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đánh giá Việt Nam là quốc gia mạnh về lĩnh vực nông nghiệp do có nhiều lợi thế trong sản xuất các mặt hàng nông sản mà thế giới cần. Dù vậy, nông sản Việt Nam vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh. Thực tế là nông sản Việt chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu mà mới chỉ dùng lại ở mức cung sản phẩm đầu vào, phần giá trị gia tăng thấp do khâu chế biến, bao gói... chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, về tín dụng ngân hàng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản còn nhiều vướng mắc.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Trung - Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Chính phủ luôn coi trọng việc tăng cường liên kết, coi đó là giải pháp chính nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị nông sản và có nhiều chính sách hỗ trợ liên kết giữa các nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - DN). Đến nay, cả nước đã có 2.975 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 1.082 DN. Đối với các chuỗi nông sản an toàn, trên địa bàn cả nước có 1.254 chuỗi được chứng nhận với 1.452 sản phẩm. Cả nước có 3.172 điểm bán các sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó có 469 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Tuy vậy, khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam còn yếu, chưa giúp nâng cao giá trị sản phẩm, năng lực cạnh tranh và đưa nông sản Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.


Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, đến hết tháng 9/2019, cả nước có 1.478 mô hình chuỗi, tăng 660 mô hình so với cùng kỳ 2018; 1.462 sản phẩm và 3.267 địa điểm bán sản phẩm nông sản kiểm soát an toàn theo chuỗi tại 63/63 tỉnh, thành phố. Cả nước cũng có hơn 14.810 hợp tác xã nông nghiệp và phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ có 11.250 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; trên 7.000 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp; hơn 25.500 hộ tham gia liên kết sản xuất với các đơn vị sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP và hơn 619.000 hô tham gia liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn...

Ông Toản thông tin, nông sản Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 185 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới. Việt Nam cũng đã tham gia và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, qua đó tạo thêm nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản. Chín tháng năm 2019, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 30,2 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ.

Đề cập tới cơ chế, chính sách tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Trưởng Phòng Tín dụng ngành Nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu, số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều; hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ. Hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến. Điều này gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế.

 Ông Park Hyang Jin - Tổng Giám đốc Công ty Dreamfarm (Hàn Quốc) 

Đại diện doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An – một trong những doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo xuất khẩu các thị trường nước ngoài cho rằng, để khuyến khích các chuỗi phát triển, trong đó có chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, Chính phủ cần có phương án về vốn để thực hiện cánh đồng liên kết trồng lúa.

“Có như vậy, ngành lúa gạo của Việt Nam mới phát triển theo hướng gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế. Với 6 triệu tấn gạo xuất khẩu hiện nay chỉ thu được 2,5-3 tỷ USD khi thực hiện liên kết thì chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam có thể thu được khoảng 5 tỷ USD”, ông Bình dẫn chứng.

Dưới góc độ là một đơn vị liên kết để cung cấp công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp Việt Nam, ông Park Hyang Jin - Tổng Giám đốc Công ty Dreamfarm (Hàn Quốc) cho biết: Chúng tôi nhận thấy việc ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao của doanh nghiệp còn hạn chế, thêm vào đó là sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của nhà nước còn chưa phát huy tác dụng, đồng thời, sự liên kết giữa các doanh nghiệp để nâng cao giá trị nông sản còn thấp. Bởi vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, theo doanh nhân Park Hyang Jin, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, từ khâu sản xuất đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo toàn bộ quy trình được kiểm soát đúng quy chuẩn.

Phát biểu kết luận tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Hà Công Tuấn đánh giá nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua có bước phát triển tích cực với tốc độ phát triển nhanh, mở rộng được thị trường xuất khẩu... Doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tăng nhanh trong khoảng 3 năm trở lại đây. Đến nay, Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu nông sản. Cùng với doanh nghiệp nông nghiệp, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển Hợp tác xã nông nghiệp. Đây là những nhân tố tạo ra sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

 Toàn cảnh diễn đàn

Ông Hà Công Tuấn đã tái khẳng định rằng, bà con nông dân trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua đã có đóng góp rất quan trọng, làm nên những thành tựu có ý nghĩa trong nông nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền sản xuất mở hiện nay không thể duy trì sản xuất đơn lẻ, thay vào đó vào thúc đẩy hoạt động tham gia vào chuỗi giá trị nông sản.

"Trong điều kiện nền sản xuất mở, chúng ta có điều kiện về hệ thống DN, hợp tác xã, nhà khoa học, cùng sự đồng hành của Nhà nước. Chúng ta coi đây như động lực để thúc đẩy liên kết, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta sẽ phải làm và tôi tin tưởng chúng ta sẽ làm rất tốt. Chúng ta phải quyết tâm thực hiện. Đây là thông điệp rất quan trọng tại diễn đàn này", ông Tuấn nói.

Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, chủ trương chính sách của Nhà nước khẳng định rằng trong chuỗi liên kết rất đa dạng, vai trò của doanh nghiệp là tiên quyết. Nhà nước tạo cơ chế, sân chơi, doanh nghiệp làm là chính. Quốc gia nào, đất nước nào thì doanh nghiệp cũng tạo ra giá trị sản xuất cao hơn, đóng góp cho Nhà nước cao hơn. Không có bất kỳ quốc gia nào chỉ có Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước ta, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp tại những vùng miền khó khăn, những người yếu thế. Nhà nước có nhiều cơ chế nhưng vẫn khẳng định vai trò của doanh nghiệp.

"Với tinh thần Đảng và Nhà nước coi doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước, tôi mong muốn các doanh nghiệp tư nhân sẽ lan tỏa tư tưởng, biến các quy định của pháp luật bằng những hành động cụ thể, qua đó tạo uy tín, thương hiệu và lợi nhuận cho doanh nghiệp, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế nước nhà", Thứ trưởng Hà Công Tuấn kết luận.

Thu Giang