Siết chặt hoạt động kinh doanh online

00:00 12/10/2020

Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam được nhận định có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, một số cá nhân, doanh nghiệp đã lợi dụng TMĐT để buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, thậm chí cả hàng cấm.

Nhiều khó khăn

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong những năm qua, lực lượng chức năng đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm liên quan về TMĐT. Theo đó, tổng mức xử phạt vi phạm hành chính TMĐT năm 2015 là 3,5 tỷ đồng, 4,5 tỷ đồng trong năm 2016, năm 2017 gần 6 tỷ đồng và 7 tỷ đồng năm 2018. Tính đến hết năm 2018, qua quá trình rà soát trên các sàn giao dịch TMĐT, buộc 35.943 sản phẩm vi phạm gỡ bỏ và hơn 3.100 tài khoản trên các sàn đã bị khóa.

siet chat hoat dong kinh doanh online
Thương mại điện tử tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh

Tuy nhiên, tại cuộc họp về chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong TMĐT, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương - vẫn bày tỏ sự lo lắng khi nhắc tới vấn nạn gian lận thương mại đang “bùng nổ” trên các sàn, website TMĐT hay mạng xã hội. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, TMĐT chắc chắn là mối nguy lớn.

Thực tế, các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật vẫn diễn ra khá phổ biến và ngày càng tinh vi hơn. Chẳng hạn, người bán trên các sàn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn, như cố tình thay đổi tên sản phẩm là N.I.K.E thay vì NIKE. Thậm chí, có những đối tượng bán lá cây cần sa nhưng rao bán “lá cây đu đủ” hay “cỏ mỹ”; lập website “samsungvietnam.online” bán sản phẩm điện thoại Samsung giả. Bên cạnh đó, người bán còn sử dụng hình ảnh, thông tin của hàng hóa thật để quảng cáo, với mức giá rất rẻ nhằm thu hút người tiêu dùng, nhất là trong lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, quần áo, đồ gia dụng… Không ít trường hợp người tiêu dùng “cười ra nước mắt” khi nhận được món đồ không đúng như quảng cáo. Ngoài ra, nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian… Có đến 99% các giao dịch hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể. Trong khi đó, đối với TMĐT, khi xử lý phải có chứng cứ cụ thể khiến công tác QLTT trên TMĐT càng khó khăn.

Mở chiến dịch kiểm tra quy mô lớn

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ kiên quyết chống gian lận TMĐT. Đầu tháng 10/2019, Bộ Công Thương đã phê duyệt Kế hoạch kiểm tra các mặt hàng kinh doanh trên TMĐT nhằm chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, nhiều mặt hàng như: Trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép… là những sản phẩm trong “tầm ngắm” của đợt kiểm tra lần này.

Tại kế hoạch này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Tổng cục QLTT chỉ đạo các Cục QLTT địa phương kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT với quy mô, số lượng lớn; hoạt động liên địa bàn, liên tỉnh, có tính chất đường dây, ổ nhóm, tái phạm nhiều lần. Cùng với đó, chủ trì và phối hợp với Vụ Pháp chế, Cục TMĐT và Kinh tế số nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chế tài liên quan về TMĐT. Đặc biệt, Tổng cục phải phối hợp với Cục TMĐT và kinh tế số triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng hơn nữa tới các chủ thể tham gia trong TMĐT để nâng cao trách nhiệm chấp hành pháp luật.

Chiến dịch thanh tra, kiểm tra các mặt hàng kinh doanh trên TMĐT bắt đầu từ tháng 10/2019 và kéo dài đến hết năm 2020. Các địa bàn trọng điểm nằm trong chiến dịch kiểm tra là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Tuệ Minh