Rủi ro pháp lý chực chờ hàng xuất sang Mỹ

00:00 12/10/2020

Thương chiến Mỹ – Trung leo thang, rủi ro pháp lý với hàng Việt xuất sang Mỹ lại càng cao hơn khi các nhà đầu tư từ Trung Quốc tháo chạy vào Việt Nam. Trong đó nổi lên các vấn đề xuất xứ hàng hóa, nguy cơ bị đánh thuế cao, thâu tóm doanh nghiệp...

Động thái hồi tuần qua của phía Mỹ khi tuyên bố từ đầu tháng 9 tới sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu trị giá hơn 300 tỷ USD của Trung Quốc đã đánh dấu thương chiến Mỹ – Trung đang leo thang đến cực điểm.

Nguy cơ áp thuế

Nhưng song song đó, các doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu (XK) hàng hoá vào Mỹ không thể chỉ quan sát thương chiến, mà cần phải thấy rõ những tác động xấu có thể ảnh hưởng hoạt động sản xuất và XK của DN mình.

Cảnh báo cho giới DN XK ở Tp.HCM với góc nhìn từ Mỹ, luật sư Ken Đạt Dương, Giám đốc điều hành công ty luật TDL tại Mỹ, lưu ý các chính sách mà Mỹ áp dụng trong diễn biến leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ mang lại không ít rủi ro pháp lý cho các DN Việt khi XK vào Mỹ.

Đặc biệt là tình trạng dùng Việt Nam là chỗ sản xuất cho Trung Quốc (source of origin), có thể khiến Mỹ áp dụng thuế nhập khẩu mới cao hơn với Việt Nam.

Luật sư Dương cho biết đang cố vấn pháp lý cho một nhà đầu tư Mỹ tại Trung Quốc (chuyên sản xuất màn hình led) để làm thủ tục chuyển sang đầu tư tại Việt Nam do ảnh hưởng từ việc thương chiến quá căng thẳng.

Phía nhà đầu tư này có băn khoăn là nếu nguồn nguyên liệu của họ có 30% từ Trung Quốc mà họ gia công, chế biến ở Việt Nam rồi xuất sang Mỹ thì không biết nguồn gốc xuất xứ sẽ ghi từ đâu?

Theo luật sư Dương, nhà đầu tư cần xác định tỷ lệ phần trăm nào để có thể tính xuất xứ tại đâu, nhất là quy định của luật là 51% trở lên. Ngoài ra, để tính được xuất xứ thì cần làm rõ thêm công suất và các dịch vụ gia tăng là ở đâu.

“Nếu công ty Mỹ nêu trên dùng hết nguyên liệu 49% của Trung Quốc đem về Việt Nam thì ai được hưởng? Chính là công ty Trung Quốc được hưởng, bởi vì nguyên liệu là cực kỳ quan trọng so với chế biến, sản xuất”, ông Dương nói.

Điều này có thể ngộ ra: một khi công ty Mỹ hoặc công ty Trung Quốc làm chiến thuật đó tại Việt Nam thì Việt Nam không được hưởng lợi gì. Không những vậy, các công ty Mỹ không chỉ đầu tư trực tiếp mà có xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) khi vào Việt Nam. Một số DN Việt có thể phải chịu tác động từ việc thâu tóm này.

Giám đốc công ty luật TDL cũng nhấn mạnh khía cạnh rủi ro nếu nhiều nguồn nguyên liệu của Trung Quốc có trong thành phần sản xuất sản phẩm của các DN ở Việt Nam (có tỷ lệ 30 – 50%) rồi XK sang Mỹ thì khó tránh khỏi nguy cơ bị Mỹ đánh thuế cao các nguyên liệu đó.

DN cần tránh rủi ro từ nguồn nguyên liệu Trung Quốc

Lo đầu tư ngắn hạn

“Mỹ có thể áp dụng mức thuế cao với hàng nhập khẩu Việt Nam hay không? Đó chính là rủi ro và có thể xảy ra”, luật sư Dương mong các DN Việt cần suy nghĩ về rủi ro này.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, chủ một công ty nhựa ở Tp.HCM cho biết trong lúc chuẩn bị mở chuỗi phân phối sản phẩm nhựa ở Mỹ thì xảy ra thương chiến, rồi có quá nhiều công ty nhựa Trung Quốc đem hàng gia công ở Việt Nam để xuất sang Mỹ. Điều này khiến công ty không còn khả năng phát triển vào thị trường Mỹ và phải thay đổi chiến lược XK để tránh rủi ro.

Trong khi đó, theo luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng luật sư New Sun, việc leo thang căng thẳng thương chiến Mỹ – Trung đang khiến cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Trung Quốc phải dịch chuyển đầu tư về bản quốc hoặc sang các nước khác, tuy nhiên dịch chuyển sang nước khác là dòng chảy chính.

Việc chuyển hướng này mang tính chiến lược, không chỉ dựa vào nguồn cung ứng nguyên liệu và hàng hóa có giá cả cạnh tranh chủ yếu từ Trung Quốc nữa.

Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 93% công ty FDI Mỹ tại Trung Quốc được khảo sát xem xét thay đổi chuỗi cung ứng để giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Trong đó, chỉ 1% công ty FDI Mỹ tại Trung Quốc dự định chuyển đầu tư về Mỹ.

Luật sư Thành cho rằng Việt Nam là ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư, mà một trong những lý do là giá thành hoạt động tại Việt Nam thấp hơn tại Trung Quốc. Đầu tư vào Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu vào Mỹ thấp hơn từ Trung Quốc.

Hơn nữa, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc cũng muốn “đón sóng” từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như FTA Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tuy vậy, luật sư Ken Đạt Dương tỏ ra băn khoăn đây có thể chỉ là hoạt động đầu tư ngắn hạn với không ít rủi ro pháp lý. Bởi lẽ, để lẩn tránh thương chiến, các nhà đầu tư bắt đầu sắp xếp nhà máy, đất đai ở Việt Nam nhưng có thể chỉ là ngắn hạn, do họ đã có nhà máy ở Trung Quốc, đã XK sang Mỹ rồi. Họ chỉ dùng tạm thời công ty con của mình tại Việt Nam trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

Theo luật sư Dương, đây cũng là điều mà các DN Việt cần lưu ý nếu có đối tác từ Trung Quốc ngỏ ý hợp tác liên doanh hay M&A để đầu tư chung sản xuất và XK hàng hoá vào thị trường Mỹ.

Một điểm quan trọng khác là vấn đề môi trường. Các chuyên gia pháp lý cho rằng luật pháp về bảo vệ môi trường ở Việt Nam chưa phải là mạnh như ở Mỹ hay một số quốc gia khác. Vì vậy, có những nhà đầu tư từ Trung Quốc có công nghệ cũ, kém tiên tiến sẽ dùng Việt Nam để mở nhà máy có thể ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Thế Vinh