Ngành Giao thông vận tải Quảng Bình: 30 năm đổi mới và phát triển

00:00 12/10/2020

Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với phương châm phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, của các Bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, ngành Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Bình đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh nhà. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh, 70 năm ngày Quảng Bình quật khởi, ông Phạm Quang Hải - TUV - Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với PV Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập về những thành tựu nổi bật của ngành.

PV: Với tư cách là Giám đốc Sở, xin ông đánh giá những thành tựu nổi bật của ngành GTVT Quảng Bình kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay?

Ông Phạm Quang Hải: Sau ngày Quảng Bình được tái lập, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phát huy truyền thống của Quảng Bình - quê hương hai giỏi, ngành GTVT Quảng Bình đã đạt được những kết quả nổi bật. Những thành tựu của ngành có thể chia ra các giai đoạn như sau:

Từ năm 1989 đến năm 1999, toàn ngành đã xây dựng Quy hoạch phát triển GTVT giai đoạn 1996- 2000. Trong 10 năm, Quảng Bình đã đưa vào sử dụng cầu Gianh, cầu Quán Hàu, mở rộng Quốc lộ 1A, cầu Bãi Dinh, La Trọng, Khe Ve, Quy Đạt và Minh Cầm, trên Quốc lộ 12A; triển khai xây dựng cầu Sảo Phong, thi công hoàn thành tuyến Đồng Lê - Tân Ấp, nâng cấp cán nhựa các tuyến Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 2B đoạn Gianh đi Thọ Lộc, Tỉnh lộ 16…; tham gia với Bộ GTVT trình Chính phủ thông qua Dự án khả thi đường từ cửa khẩu Cha Lo về cảng Vũng Áng. Về vận tải, tỉnh vận chuyển hơn 10 triệu tấn hàng hóa các loại với hơn 671 triệu tấn/ Km hàng hóa luân chuyển, vận chuyển hơn 22 triệu lượt hành khách với hơn 462 triệu lượt hành khách/km luân chuyển.

Đường Võ Nguyên Giáp, TP. Đồng Hới.

Giai đoạn từ năm 2000- 2009: Đây là giai đoạn địa bàn Quảng Bình triển khai nhiều dự án quan trọng. Sau khi Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 được chính thức khởi công, nhiều dự án khác cũng được triển khai rầm rộ, như: khu neo đậu tàu Hòn La, các dự án cầu Nhật Lệ, Kiến Giang, Quảng Hải và sân bay Đồng Hới. Xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 12A, sửa chữa Quốc lộ 15, hoàn thành đưa vào sử dụng các cầu lớn và cầu trung trên quốc lộ 12A và Quốc lộ 15.

Năm 2003, được sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo tỉnh cùng với sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành Trung ương, đã có nhiều dự án được khởi công từ nguồn vốn, mục tiêu của Chính phủ như đoạn nối Mũi Ông - Hòn Cỏ, cảng Hòn La, cầu Quảng Hải….

 Cảng Hòn La

Cuối năm 2005, ngành đã triển khai Dự án nạo vét tuyến Sông Gianh từ cầu Gianh đến xã Tiến Hóa, phục vụ vận tải cho Nhà máy xi măng Sông Gianh. Năm 2002, ngành đã hoàn thiện các thủ tục và khởi công xây dựng cầu Nhật Lệ đúng vào dịp kỉ niệm 45 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình. Hệ thống hạ tầng GTVT đã có bước phát triển đáng kể, hệ thống Quốc lộ được đầu tư nâng cấp, hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã được địa phương quan tâm đầu tư, 100% số xã có đường ô tô về tận trung tâm…Trong giai đoạn này, có 2 dự án có ý nghĩa chiến lược tạo đà cho kinh tế - xã hội Quảng Bình cất cánh, đó là Cảng Hòn La và Cảng Hàng không Đồng Hới.

Cảng Hàng không Đồng Hới.

Giai đoạn 2010- 2019: Giao thông Quảng Bình với phương châm “quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa”. Trên lĩnh vực xây dựng, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án: Trục đường chính Bắc Nam tại xã Bảo Ninh rộng 60m, đường nối Quốc lộ 12A với xã Ngư Hóa (thuộc huyện Tuyên Hóa), cầu Trung Quán, nâng cấp các tuyến đường nội thành Đồng Hới, trong giai đoạn này nhiều dự án có ý nghĩa chiến lược tạo đà cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình gồm Dự án mở rộng Quốc lộ 1, cầu Nhật Lệ 2, đường và cầu về xã Văn Hóa, cải tạo nâng cấp đường tỉnh 565.

Quốc lộ 1 sau khi hoàn thành mở rộng, nâng cấp.

Ngành GTVT Quảng Bình đã triển khai thực hiện hoàn thành nhiều công trình giao thông có quy mô lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật công, nghệ cao do các kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế như thi công cầu Nhật Lệ 2. Có thể nói sau 30 năm tái lập tỉnh, ngành GTVT Quảng Bình đã có nhiều công trình lớn có tính kết nối cao, mang tính chất đòn bẩy phục vụ cho các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã kết nối liên hoàn bao gồm đủ cả 5 loại hình: đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, kết nối Quảng Bình với cả nước và các nước trong khu vực, góp phần đắc lực vào sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh nhà.

Cầu Nhật Lệ 2.

PV: Thưa ông! Bên cạnh những thành tựu mang tính đòn bẩy, góp phần đáng kể vào sự nghiệp CNH-HĐH quê hương Quảng Bình, vẫn còn đó những hạn chế. Vậy, đâu là nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra sau 30 năm đổi mới và phát triển của ngành?

Ông Phạm Quang Hải: Những hạn chế mà ngành đã thấy được, đó là hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ. Giao thông đô thị, nội thị và các vùng trọng điểm nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu. Giao thông ở một số vùng chưa đảm bảo thông suốt quanh năm. Địa bàn vùng sâu vùng xa thiếu cầu, đường ô tô bị chia cắt khi mùa mưa lũ đến… Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, bất cập, làm kéo dài thời gian thi công, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình. Về nguyên nhân: Nguồn lực tài chính đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng giảm, làm nhiều công trình phải điều chỉnh tiến độ; Việc huy động xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư theo các phương thức BOT, BTO, BT, PPP gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình hình thành và phát triển, ngành GTVT Quảng Bình đã đóng góp không nhỏ cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh dành được nhiều thắng lợi hết sức vẻ vang qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và trong sự nghiệp đổi mới. Bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra từ truyền thống của ngành đó là luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát huy lòng yêu nước, giữ vững khối đoàn kết trong toàn ngành. Tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương để thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.

PV: 30 năm tái lập tỉnh, đây là dịp để ngành GTVT Quảng Bình có những định hướng và giải pháp, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Xin ông cho biết những định hướng và giải pháp của ngành trong những năm tới là gì?

Ông Phạm Quang Hải: Nhận thức rõ vai trò của ngành GTVT, lãnh đạo Sở đã đề xuất với UBND tỉnh và Bộ GTVT tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cả đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phương tiện vận tải. Huy động tốt nguồn lực về tài chính để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Tăng cường công tác quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Quan tâm đầu tư kinh phí cho việc chuyển giao ứng dụng các công nghệ mới trong thiết kế, thi công xây dựng các công trình để từng bước hiện đại hóa, đồng bộ hóa đầu tư xây dựng công trình GTVT. Tham mưu các cơ chế chính sách theo hướng đồng bộ, thông thoáng.

Đồng chí Phạm Quang Hải - Giám đốc Sở GTVT cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra công trình cầu Nhật Lệ 2. 

Những thành quả của Ngành GTVT tuy còn khiêm tốn, nhưng cũng đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc đổi mới của tỉnh nhà, từng bước đưa Quảng Bình thoát khỏi tỉnh nghèo, cùng với cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trọng Lãnh (thực hiện)