Một NHTƯ khôn ngoan có nên tích lũy ngoại hối trong thầm lặng?

00:00 12/10/2020

Trong bối cảnh địa chính trị tiền tệ phức tạp thế giới và khu vực, Việt Nam có tin tốt lành khi Chính phủ vừa công bố dự trữ ngoại hối lên đến 92 tỷ USD và khả năng từ nay đến cuối năm lên 100 tỷ USD.

Nhưng cũng trong bối cảnh nhiều nước luôn bị Mỹ giám sát thao túng tiền tệ chặt chẽ, cũng có một số ngân hàng trung ương tích lũy ngoại hối trong thầm lặng nhưng vẫn không vi phạm luật chơi do Mỹ đặt ra. Đây là chủ đề được tác giả Trần Ngọc Thơ phân tích cho chuyên mục phân tích kinh tế tài chính tiền tệ quốc tế tuần này.

Một NHTƯ khôn ngoan có nên tích lũy ngoại hối trong thầm lặng? ảnh 1

Chính sách “Hãy làm cho báo cáo ngoại hối vĩ đại trở lại” của Bộ Tài chính Mỹ

Donald Trump muốn nước Mỹ vĩ đại trở lại. Có thể điều này khiến cho báo cáo chính sách ngoại hối của các đối tác thương mại lớn mà Bộ Tài chính (BTC) Mỹ sắp công bố nhằm dán nhãn các quốc gia thao túng tiền tệ sẽ có nhiều thay đổi lớn.

Theo cách nhìn của chính quyền hiện tại, can thiệp ngoại hối nhằm làm cho đồng tiền mất giá ở nhiều nước là nguyên nhân chiếm hơn phân nửa thâm hụt thương mại của Mỹ.

Họ, vì vậy, đang gây sức ép lên cách mà BTC Mỹ soạn thảo báo cáo sắp tới với hàm ý giống như khẩu hiệu của Trump khi tranh cử, đó là “hãy làm cho báo cáo ngoại hối vĩ đại trở lại”.

Mỹ luôn áp đặt các điều khoản ràng buộc thương mại và tiền tệ trong các hiệp định mậu dịch mà điển hình là “điều khoản thuốc độc” nếu các đối tác vi phạm luật chơi. Nhưng như thế cũng chưa đủ.

Một số đề xuất của giới bảo thủ cho rằng chính quyền cần phải triển khai ngay các biện pháp cứng rắn hơn để chống lại các nước thao túng tiền tệ. Ngoài chính sách thuế đối kháng để trả đũa, một trong những biện pháp có khả năng sẽ được họ áp dụng, là triển khai các phương thức và quy trình để làm xấu hình ảnh của các nước can thiệp quá mức vào chính sách tiền tệ và thị trường ngoại hối.

Nhưng có khi cũng chẳng cần đến những quy trình phức tạp như thế, chỉ riêng các dòng tweet bất chợt, hoặc một phút trả lời ngẫu hứng trên truyền hình của Trump, thậm chí còn đem lại sức công phá mạnh hơn nhiều.

Giả thuyết của Mỹ: các nước khác đang tìm mọi cách hạ giá đồng nội tệ so với USD
Lãi suất đồng USD lớn hơn 0, trong khi hầu hết các nước có đồng tiền mạnh đều âm, đã làm cho đồng USD mạnh lên và do đó góp phần vào thâm hụt thương mại của Mỹ thêm trầm trọng.

Nhưng chính quyền Mỹ lại không nghĩ như thế. Người Mỹ gần đây bắt đầu có lập luận cho rằng, việc đồng USD mạnh lên chẳng qua chỉ là giả tạo. Đó chẳng qua là do các nước khác đang tìm mọi cách hạ giá đồng nội tệ của mình so với USD để kích thích xuất khẩu.

Dựa trên giả thuyết này, Mỹ sẽ điều tra thật kỹ lưỡng tất cả các trường hợp các nước thực hiện chính sách tiền tệ chủ động với mục đích hạ giá đồng tiền và đảm bảo rằng họ sẽ nhận được các biện pháp đáp trả có ý nghĩa sau khi đã nhận được cảnh báo mà vẫn không thay đổi chính sách.

Một số nước ngụy trang các can thiệp chính thức trên thị trường ngoại hối bằng cách khuyến khích các định chế tài chính nội địa mua vào USD, và sau đó chuyển lượng ngoại tệ này thành tài sản ở nước ngoài. Mục đích là để làm giảm can thiệp vào thị trường ngoại hối của ngân hàng trung ương (NHTƯ). 

Chẳng hạn như Hàn Quốc lập ra Quỹ tài sản quốc gia NPS chuyên đầu tư danh mục tài sản nước ngoài. Nổi bật nhất là Đài Loan, từ năm 2010, Quỹ bảo hiểm nhân thọ Đài Loan được chính quyền tạo cơ chế khuyến khích để mở rộng đầu tư quốc tế, với tổng tài sản nước ngoài xấp xỉ 70% trong tổng đầu tư danh mục của họ.

Các NHTƯ còn thực hiện các giao dịch phái sinh như các hợp đồng kỳ hạn bán USD cho các ngân hàng thương mại để thu về đồng nội tệ, với cam kết NHTƯ sẽ mua lại lượng ngoại tệ này trong tương lai. 

Chiến thuật này nhiều khi được che dấu với tên gọi “nhân tố phản chu kỳ”, như cách mà Ngân hàng nhân dân Trung Hoa (PBOC) áp dụng để can thiệp trên thị trường ngoại hối.

Các chiến thuật này, một mặt giúp làm giảm giá hoặc kềm chế lên giá của đồng nội tệ, mặt khác giúp NHTƯ tạm thời chuyển các khoản mua vào USD ra khỏi bảng cân đối kế toán nhằm tránh sự giám sát của BTC Mỹ.

Chiến tranh chính sách tiền tệ của Fed

Chiến thuật chính sách tiền tệ mà một số nền kinh tế đang phát triển đang triển khai tất nhiên được phía Mỹ giám sát sát sao. Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thậm chí còn làm điều kinh khủng hơn nhiều. 

Nhà kinh tế Marcello Minenna, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế lượng tài chính tại Đại học Bocconi và là Tổng giám đốc cơ quan độc quyền và Hải quan của Italia có bài phân tích trên tờ Financial Times, khi đặt tên cho những gì mà Fed đang làm là tiến hành một cuộc “chiến tranh chính sách tiền tệ”.

Khác với thuật ngữ chiến tranh tiền tệ chỉ hàm ý hẹp liên quan đến thương mại và tỷ giá, cuộc “chiến tranh chính sách tiền tệ” bao hàm toàn bộ cách thức mà Fed có thể làm để quốc hữu hóa tạm thời toàn bộ nền kinh tế. Kết quả của nó, vừa giúp nền kinh tế hồi phục do đại dịch lại hỗ trợ làm giảm giá đồng USD như mong muốn của Trump.

Cho đến giờ các định nghĩa thế nào là thao túng tiền tệ, thế nào là can thiệp chính sách tiền tệ chủ động làm giảm giá tiền tệ và can thiệp chính sách tiền tệ nhằm mục đích chống lại các chu kỳ kinh doanh vẫn đang rất mơ hồ. Vượt khỏi các khuôn khổ lý thuyết kinh tế học tiền tệ, các khái niệm này thiên nhiều về khía cạnh chính trị và ngoại giao kinh tế nhiều hơn.

Nhiều nước chỉ còn cách khả dĩ là tăng cường đàm phán với BTC và Bộ Thương mại Mỹ bằng cam kết tăng mua hàng Mỹ nhiều hơn. Tất cả để làm vừa lòng chính quyền Mỹ và cũng để cân bằng lại cán cân thương mại thâm hụt lâu nay của họ.

Đến chính sách tích lũy ngoại hối trong bí mật

Trong bối cảnh bị Mỹ theo dõi chặt về thao túng tỷ giá, PBOC cũng đang âm thầm tiến hành một chính sách tiền tệ theo cách riêng của mình. Tờ The Economist có bài phân tích một số động thái chính sách tiền tệ kềm nén lạ thường của Trung Quốc.

Một mặt, để tránh gây sự chú ý, PBOC âm thầm đi ngược xu hướng với Fed, NHTƯ Châu Âu (ECB) và NHTƯ Nhật Bản. Trong khi các NHTƯ này bơm tiền và mở rộng bảng cân đối tài sản, PBOC hầu như ít khi làm giống như thế. Tính trên GDP, tổng tài sản của PBOC cũng được điều chỉnh với con số vừa đẹp, xấp xỉ con số 35% của Fed.

Mặt khác, họ tìm cách đảo ngược những bất thường trong quá khứ bằng cách chuyển hóa lượng ngoại hối hấp thụ từ các khoản thặng dư thương mại sang các kênh truyền dẫn khác.

Các dữ liệu cho thấy, trong khi thặng dư xuất khẩu trong 2 tháng 5, 6 xấp xỉ 62 tỷ USD mỗi tháng, thì dự trữ ngoại hối mà PBOC thông báo vẫn đứng yên (?). Cùng lúc đó, dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc đổ bộ vào Hồng Kông trong quý II là 104 tỷ USD, bằng 2 phần 3 tổng lượng ngoại tệ thu được trong 2 tháng.

Điều này làm dấy lên nghi ngờ Trung Quốc đang tích lũy dự trữ ngoại hối trong thầm lặng. PBOC bề ngoài trông có vẻ đang thực hiện chính sách tiền tệ bình thường, nhưng bên trong lại đầy bất thường. Họ lại còn đang cố tình phức tạp hóa các dòng vốn xuyên biên giới (không chỉ có Hồng Kông) để tránh né bất kỳ sự giám sát nào của đối thủ Mỹ. 
PBOC án binh (nghi binh) không làm gì, trong khi các NHTƯ khác đang làm điều bất thường, và đảo ngược hiện trạng những điều bất thường đã làm trước đây.

Mọi người cứ lầm tưởng lá cờ chuyển động thì cột cờ phải đứng yên. Nào ngờ họ lại âm thầm di dời cột cờ sang cột mốc biên giới phía bên kia, đúng với phong cách trên mặt trận ngoại giao của họ với các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh địa chính trị tiền tệ phức tạp thế giới và khu vực, Việt Nam lại có tin tốt lành khi Chính phủ vừa công bố dự trữ ngoại hối lên đến 92 tỷ USD và khả năng từ nay đến cuối năm lên 100 tỷ USD.

Đặt trong bối cảnh chung trong khi Fed thực hiện một cuộc chiến tranh chính sách tiền tệ và việc Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc tích lũy dự trữ ngoại hối trong thầm lặng, việc một quốc gia công khai tích lũy dự trữ ngoại hối là điều tốt.

Nhưng trong khi đang nằm trong danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ, chúng ta nên cân nhắc thật kỹ lợi ích và mất mát nếu đi ngược xu hướng bằng cách vang to dự trữ ngoại hối tăng cao kỷ lục như là một thành tích. 

Trần Ngọc Thơ