Liên kết sản xuất, phân phối: Giải bài toán đầu ra cho ngành lúa gạo

00:00 12/10/2020

Việc thay đổi tư duy sản xuất lúa theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp (DN) phân phối bán lẻ với DN cung ứng vật tư nông nghiệp, người nông dân và chính quyền đang là hướng đi hiệu quả của tỉnh Vĩnh Long mang lại giá trị cao cho người nông dân và sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Nông dân HTX Tân Tiến phấn khởi vì canh tác lúa theo hướng hữu cơ đã có kết quả tốt

Thay đổi tư duy sản xuất

Cho tới nay, thị trường lúa gạo Việt Nam vẫn tập trung hướng tới các nước đang, kém phát triển, kéo theo nền sản xuất chạy theo sản lượng. Điều này dẫn đến Việt Nam có quá nhiều lúa gạo chất lượng thấp, thiếu lúa gạo chất lượng và giá trị cao cho thị trường trung bình khá và cao cấp trong nước cũng như thế giới.

Ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho rằng, cần tạo được sự nhất trí chủ trương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chỉ nên làm 2 vụ lúa thay vì 3 vụ/năm. Đồng thời, chuyển dần một tỷ lệ diện tích hợp lý sang sản xuất lúa gạo chất lượng cao, từ đó gia tăng thu nhập cho người nông dân. Bên cạnh đó, để người nông dân không còn tự phát lạm dụng hóa chất, cần bắt buộc sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP; sản xuất bằng sinh học và hữu cơ ở mức độ quy mô cần thiết.

“Để tái cấu trúc cho ngành hàng lúa gạo, trước mắt, cần làm theo hình thức hợp tác xã (HTX). Ở mô hình này, có rất nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL làm khá tốt” - ông Trực nhấn mạnh và nêu ví dụ: Đơn cử như HTX nông nghiệp Tân Tiến được thành lập năm 2016 dưới sự chủ trì của UBND huyện Tam Bình, Saigon Co.op là đơn vị bán lẻ liên kết bao tiêu đầu ra và Công ty CP Nông nghiệp GAP là đơn vị cung ứng thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ. Đây cũng là HTX được lựa chọn “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới vùng ĐBSCL” tại tỉnh Vĩnh Long.

Ông Dương Văn Thành - Giám đốc HTX Tân Tiến - cho biết: Khi mới hoạt động, HTX chỉ có trên 31ha canh tác lúa với sự tham gia của 53 hộ nông dân. Tới nay, HTX đã có gần 100 thành viên, năng suất bình quân từ gần 4 tấn/ha trong vụ hè thu 2016 tăng lên hơn 6 tấn/ha vụ đông xuân 2017 - 2018. Lợi nhuận cũng tăng từ 20 triệu đồng/ha/năm/vụ lên hơn 50 triệu đồng/ha/năm/vụ năm 2018.

Chủ động thị trường

Ông Dương Văn Thành chia sẻ, ban đầu các xã viên HTX cũng không thực sự tin tưởng vào mô hình liên kết với DN phân bón và nhà phân phối. Họ cho rằng, nếu sản xuất theo phương thức trước đây sẽ dễ dàng bán cho thương lái hơn dù giá có thể thấp. Tuy nhiên, với việc Saigon Co.op chủ động tham gia cố vấn tiêu chuẩn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong diện tích lúa sạch của chương trình với giá cao hơn thị trường đã khiến bà con yên tâm canh tác.

Ông Phạm Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op- cho biết, ước tính giá thu mua lúa tươi sạch theo hướng hữu cơ của Saigon Co.op luôn đảm bảo cao hơn thị trường 40%.

“Chúng tôi sẽ tham gia chương trình liên kết này bằng việc tiếp tục ký hợp đồng lâu dài và mở rộng phạm vi bao tiêu trên một số sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo thu nhập cho người nông dân huyện Tam Bình nói riêng và tỉnh Vĩnh Long nói chung” - ông Kiên chia sẻ.

Ông Phạm Chánh Trực- nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Các DN xuất khẩu gạo hay DN bán lẻ trong nước cần xác định vai trò trách nhiệm, định hướng thị trường lâu dài bằng cách đặt hàng, đầu tư cho nông dân và bao tiêu sản phẩm chất lượng như gạo sạch, an toàn, gạo hữu cơ.

Thùy Dương